Khoảnh khắc đồ đạc rơi vỡ trong trận động đất.
"Tôi nghĩ tôi chết rồi", bà Bùi Ngọc Lan hôm nay mới bình tĩnh lại sau mấy ngày khóc vì sợ động đất. "Nó như nổ mìn ngay trước cửa nhà. Nổ bãi vàng chỉ ung tai một lúc, đằng này nó rung khắp mọi nơi, như Trái Đất rung chuyển, nhà quay đảo".
Bà Lan, 51 tuổi, quê ở Thái Nguyên, mới đặt chân đến Đài Loan làm công nhân cách đây hai tháng. Lần đầu tiên trong đời bà mới biết thế nào là động đất, lại là trận có cường độ lớn ngay cả nhiều người bản xứ cũng lần đầu trải qua suốt hàng chục năm qua.
Động đất mạnh 6,4 độ đêm 6/2 rung chuyển thành phố Hoa Liên, phía đông Đài Loan, khiến bà Lan choàng tỉnh giấc trong căn hộ chung cư. Bà trú ẩn trong nhà và gọi điện cho các con ở Việt Nam vì "sợ con không nhìn thấy mình nữa".
Một cụ bà ngoài 80 tuổi, người Đài Loan, hàng xóm của bà Lan, ngã trên sàn, trượt một quãng dài và bị chấn thương cột sống phải nhập viện. Bà cụ ngày thường vẫn ăn mấy bát cơm, lái ôtô băng băng.
Bà Lan cho biết khu nhà bà ở còn kiên cố nên không chịu thiệt hại gì. Cách nhà khoảng 5 km là tòa nhà Yun Men Tsui Ti cao 12 tầng ở trung tâm thành phố Hoa Liên.
Hình ảnh tòa nhà đổ nghiêng 45 độ được chống đỡ bằng cột di động đã trở thành biểu tượng cho sự nghiêm trọng của thảm họa. Trong số 10 người được xác nhận thiệt mạng hôm nay, nhiều người có mặt tại tòa nhà này. Lực lượng cứu hộ sáng nay vẫn tiếp tục tìm 7 người mất tích, được cho là kẹt ở những tầng thấp của khách sạn Beauty Inn thuộc tòa nhà Yun Men Tsui Ti.
Cũng trong đêm 6/2, thủy thủ Nguyễn Thọ Duy, 30 tuổi, đang ở trên tàu chở hàng 50.000 tấn đậu tại cảng Hoa Liên. Động đất gây rung lắc, đồ đạc rơi đổ trên con tàu chở gỗ dăm từ Chile tới, khiến thuyền trưởng báo động toàn tàu. Anh Duy phụ trách máy, chuẩn bị sẵn sàng để tàu chạy ra biển nếu có sóng thần. Bộ phận boong thì chuẩn bị cắt dây để thoát ra biển. "Lúc ấy biển an toàn hơn trên bờ", anh Duy cho biết nhưng vẫn cảm thấy sợ hãi.
Cả đội gồm 8 thủy thủ Việt Nam, 12 thủy thủ Philippines, tập trung vào nhiệm vụ, túc trực suốt đêm. "Rất may, không có sóng thần, kị của tàu biển", thủy thủ quê Nghệ An nói, cho biết động đất làm cầu cảng nứt nẻ, ống dầu trên bờ gần tàu bị vỡ.
Anh Duy trả lời phỏng vấn chỉ một giờ sau dư chấn mạnh 4 độ sáng nay. Theo thống kê từ cơ quan khí tượng Đài Loan, 235 dư chấn xảy ra kể từ trận động đất tối 6/2. 5 trận dư chấn đạt cường độ 5 độ, trong đó một trận mạnh 5,7 độ tối 7/2. "Vì một chuỗi dư chấn xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, một số đạt tới 5 độ, sẽ phải hai tới ba tuần, thậm chí một tháng sau thì tình hình mới ổn định", Taipei Times dẫn lời lãnh đạo Trung tâm Địa chất Lin Tzu-wei nói.
Theo ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, động đất thường xuyên xảy ra vào thời điểm này trong năm tại Đài Loan. Khu vực xảy ra động đất hôm 6/2 có ít người Việt sống và du lịch. Khách du lịch dịp Tết thường đi mua sắm, ngắm hoa anh đào ở Đài Bắc, Đài Trung.
"Ngay sau khi động đất xảy ra, dù khu vực có ít người Việt Nam sinh sống, văn phòng đã thiết lập đường dây nóng với cơ quan cứu hộ Đài Loan để cập nhật thông tin thường xuyên liên quan đến người Việt", ông Hải cho hay. Đến nay, không có thông tin người Việt gặp nạn.
Đài Loan nằm trên Vành đai Lửa, đã trải qua hơn 100 trận động đất trong tháng này. Trận hôm 6/2 xảy ra đúng hai năm sau trận ở thành phố Đài Nam, làm ít nhất 116 người chết. Năm 1999, trận động đất mạnh 7,6 độ rung chuyển miền trung Đài Loan làm hơn 2.300 người chết.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc theo dõi sát tình hình, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã mở đường dây nóng số 00886988579362 để tiếp nhận thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng (nếu có). |
Trọng Giáp