Chợ Vòm, tên chính thức là chợ Cherkizov, được ví là “trái tim thương mại” của cộng đồng người Việt tại Nga. Thử hình dung một ngày nào đó Mátxcơva không còn khu chợ lớn nhất liên bang, anh Phạm Viết Bé, quê Nghệ An, đang kinh doanh ở đây, rùng mình: “Tốt nhất là “nỏ” (không) nghĩ đến".
Anh Phạm Chinh, quê Hải Dương, làm ăn lâu năm ở Nga, tuyên bố: “Ai non gan, mới nghe tin đồn mơ hồ đã xám cả mặt thì không trụ được ở đất này. Phải chấp nhận ba chìm bảy nổi thôi”.
![]() |
Một quầy hàng của người Việt ở chợ Vòm, Matxcơva. Ảnh: Quang Vinh. |
Điều này không phải không có lý. Làm ăn ở Nga có thể gặt hái khá. mà lãi cao luôn đi kèm với nguy cơ cao. Phần lớn người Việt khi sang Liên Xô trước đây hay Nga bây giờ để lao động hay học tập, nghiên cứu đều không có nhiều vốn liếng mang theo. Sau một hoặc hai chục năm lăn lộn ở thương trường, đa số đều có vốn dắt lưng, không ít thì nhiều, thậm chí là rất nhiều. Anh Hùng Hậu ở “ốp” Rybak, triết lý: “Cái gì của Seza hãy trả lại cho Seza. Kiếm được tiền ở Nga thì cũng chấp nhận mất tiền ở Nga”.
Người Việt đã trải qua nhiều cơn chấn động, nhiều sự mất mát: Vỡ “Đôm 5 mới”, sập Xalut 2, Xalut 5, Sông Hồng 1, 2, 3, Togi, các cơn “giật xanh” (đồng USD tăng giá đột ngột so với đồng ruble) mà điển hình là sự phá giá đồng rúp năm 1998. Đó là chưa kể đến các thay đổi liên tục trong chính sách nhập cư, luật về chợ ở Nga năm 2007, đặc biệt là quy định cấm người nước ngoài trực tiếp bán lẻ ở chợ.
Tháng 9/2006 tin sắp đóng cửa chợ Vòm tạo ra cơn sốc lớn nhất trong cộng đồng người Việt ở Mátxcơva và lan rộng toàn liên bang. Thê thảm nhất là sự sụt giá chuyển nhượng của "công” (container bán hàng) và “palát”(quầy bán hàng). Những điểm kinh doanh thuận lợi trước đó có giá chuyển nhượng trên 200.000 USD nhưng sau đó không thể bán được 30.000 USD. “Bất động sản” ở chợ Vòm đóng băng hoàn toàn, chỉ một vài người có máu đỏ đen chung nhau bỏ vốn mua “công”, “palat” với giá rẻ mạt, hy vọng kiếm lãi trong trường hợp chợ chậm bị giải tỏa.
Điều đáng lưu ý nhất là các mối quan hệ làm ăn trong nội bộ cộng đồng và giữa người Việt với người Trung Quốc bị phá vỡ. Mối quan hệ này vốn chỉ dựa vào chữ tín đơn thuần, theo phương thức lấy hàng trước, trả tiền sau. Người Việt bán buôn nhập hàng của người Trung Quốc rồi nhượng lại cho những người đồng hương ở các tỉnh lẻ. Nhân có tin chợ Vòm sắp bị dẹp, một số đầu mối ở các tỉnh ngừng đến Mátxcơva ăn hàng và không thanh toán các khoản nợ cũ.
Sự sụp đổ dây chuyển diễn ra nhanh chóng. Tình trạng trốn nợ phổ biến đến mức phương thức mua đứt được áp dụng khiến cho việc làm ăn teo tóp lại vì thiếu vốn. Những người nghèo dựa vào vốn đi vay phá sản đầu tiên. Đội quân cho vay lãi co lại, không dám mạo hiểm.
Nửa cuối năm qua thị trường “bất động sản” ở chợ Vòm bắt đầu tan băng. Giá bán và thuê “công” đã nhích lên, hợp đồng thuê trở lại chu kỳ 12 tháng và phương thức bán hàng trả chậm đã rục rịch trở lại.
Tuy nhiên, hôm 24/1, quận trưởng quận Đông Nikolai Evtikhiev cho biết chợ Cherkizov mà bà con người Việt hay gọi là chợ Vòm sẽ được giải tỏa toàn bộ vào cuối năm nay. Ông cho biết năm ngoái đã có 18.000 m2 của khu chợ được san bằng, năm nay sẽ ủi tiếp 20.000- 25.000 m2. Trường hợp Mátxcơva giành được quyền đăng cai Đại hội Olympic thanh thiếu niên lần thứ nhất 2010 thì thời hạn giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh hơn.
Thông tin tái khẳng định giải tỏa chợ Vòm mặc dù đã được phát ra mấy ngày nhưng rất ít người Việt biết. Chị Ly Phương, chủ sở hữu mấy “palat” và “công” ở chợ Vòm nói: “Tôi sợ sắp tới sẽ tái diễn tình trạng của mùa thu 2006. Không ai dám mua dám bán 'bất động sản'. Nhân cơ hội này nhiều người sẽ xù nợ, làm ăn thì cầm chừng. Xem ra, năm Mậu Tý với bà con mình rồi vất vả đây”.
Trần Quang Vinh (từ Mátxcơva)