Dưới đây là bài viết của độc giả Nguyễn Hồng Hải, từng là Tổng giám đốc ngân hàng Ocean Bank, đang định cư ở Canada, về khả năng hòa nhập của người Việt ở nước ngoài.
Số lượng người Việt tại Canada không phải là nhỏ, nhưng phần lớn là thế hệ của những người lớn tuổi đã sang đây vài chục năm trước. Thế hệ trẻ đi bằng con đường kỹ năng và du học ở lại không nhiều. Người Việt Nam có nhận thức vấn đề khá nhanh trong học tập và công việc, nếu được hướng dẫn và đào tạo thì khả năng nắm bắt vấn đề và thực hiện các theo hướng dẫn khá tốt.
Người Việt duy trì bản sắc ở Canada. Ảnh: Montreal Gazette. |
Nhưng những người Việt đã sống lâu tại Canada và một số bạn trẻ sang học và ở lại đều có một điểm chung là khả năng hòa nhập kém. Điều này dẫn tới họ hay có cảm giác buồn và nhớ nhà. Tôi xin liệt kê một số nguyên nhân mà bất cứ người nào cũng cảm thấy buồn khi sang môi trường mới:
Ít bạn bè và ít tham gia sinh hoạt cộng đồng: Không phải ở nước ngoài mà ngay cả ở Việt Nam, nếu một người chỉ suốt ngày ở nhà, không có bạn bè thì đều rất buồn. Người nước ngoài khi đi các nước khác họ có thể đi cùng bạn vào các ngõ ngách của phố phường Việt Nam, uống rượu, ăn cháo lòng tiết canh, đi du lịch bằng xe đạp xuyên Việt, lên các vùng đồng bào dân tộc và ăn ở, giúp đỡ họ…
Họ rất nhanh chóng tìm cách tìm hiểu và hòa nhập với xã hội mới, tham gia vào sinh hoạt cộng đồng mới.
Nhưng người Việt Nam ít khi thấy tham gia vào các công tác sinh hoạt cộng đồng ở nước ngoài, điều này dẫn tới số lượng bạn bè của họ ít và họ cảm thấy buồn vì họ chỉ ở nhà một mình làm bạn với mấy quyển sách và cái tivi, may mắn là giờ có thêm cái máy tính nối mạng Internet thì đỡ buồn hơn rất nhiều. Phần lớn người Việt sang nước ngoài chỉ tập trung vào học hành và đi làm kiếm tiền, các công tác xã hội của nước ngoài hầu như không để ý.
Chưa tìm được việc làm: Một số người mới sang sẽ buồn vì chưa tìm được việc làm, nhưng thực ra có được việc làm ở nước ngoài cũng có cái dễ và có cái khó. Khó là với những công việc văn phòng, kinh doanh cần phải có trình độ cao hơn ở Việt Nam, nhưng dễ là cũng không thiếu các việc không cần đòi hỏi trình độ nhiều vẫn có thể làm việc được.
Nhiều người Việt Nam khi sang đây không có nhà cửa, không biết ngôn ngữ nhưng vẫn tìm được các việc làm ở công xưởng, làm các công việc được cho là nặng nhọc so với người nước ngoài, tuy là các công việc chân tay nhưng lương vẫn có thể bằng hoặc cao hơn người chỉ làm văn phòng. Không tìm được việc làm cũng là một hạn chế lớn để con người có thể giao tiếp và hòa nhập với xã hội.
Ăn uống không phù hợp: Sang bất kỳ quốc gia nào thì đương nhiên ăn uống có sự khác biệt. Kể cả người Bắc khi vào Nam cũng thấy sự khác biệt về ăn uống và khẩu vị. Tuy nhiên, đó chỉ là khi bạn đi ăn nhà hàng, còn nếu bạn biết nấu nướng thì bạn có thể chế biến món ăn theo khẩu vị của bạn và của Việt Nam không thành vấn đề. Vì hiện nay thương mại tự do, bạn đến bất kỳ quốc gia nào đều thấy bày bán đủ mọi thức ăn mà hợp khẩu vị với bạn. Biết nấu ăn và tự chế biến cũng là một lợi thế lớn.
Một số thói quen khác biệt: Đối với những người mới tới vùng đất mới thường bị sốc văn hóa vì có nhiều thói quen và khác biệt về văn hóa có thể bạn chưa quen, nhưng nếu tham gia vào xã hội hoặc sống lâu dần thì bạn cũng sẽ dễ dàng hòa nhập. Ví dụ như bạn có thể quen "cao su" giờ và làm việc không có kế hoạch nhưng khi làm việc với nhưng người có kế hoạch thì dần dần bạn cũng sẽ quen và làm có kế hoạch như họ.
Đấy là những nhận xét của cá nhân tôi. Các bạn có ý kiến khác, chúng ta cùng tranh luận.
Nguyen Hong Hai