Tuyết Ngân, sinh viên năm hai chuyên ngành quản lý tại đại học Bordeaux IV, Pháp, "hạnh phúc như trúng độc đắc" khi bất ngờ mua được vé khứ hồi về nhà đón Tết với giá 5,1 triệu đồng vào nửa đêm ngày 13/2, tức sáng sớm 14/2 (29 Tết) giờ Hà Nội.
"Chuyến trở về lần này hoàn toàn là nhờ có vụ vé máy bay siêu rẻ. Thật sự em không lên kế hoạch trước", Tuyết Ngân nói với VnExpress khi đang trên xe khách từ Tp. HCM về Cần Thơ. Thông thường giá vé khứ hồi chặng bay Paris - Tp. HCM khoảng 800 euro (20 triệu đồng).
Tuyết Ngân trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ thờ ơ, ngờ vực cho đến hồi hộp và vui sướng trong quá trình mua vé siêu rẻ của hãng hàng không Pháp Air France. "Ban đầu em cho rằng hệ thống của hãng bị tin tặc tấn công. Khi thấy bạn bè mua thành công, em quyết định liều và nhận được vé điện tử ngay đêm hôm đó", cô sinh viên kể lại.
Trưa ngày 15/2, Tuyết Ngân lên chuyến bay AF0258. Hơn 16 tiếng sau, sáng sớm ngày 16/2 (mùng 1 Tết), cô sinh viên hai năm liền không được ăn Tết với gia đình đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chưa kịp vui mừng, Tuyết Ngân nhận được thư điện tử từ Air France thông báo hủy vé chiều về.
"Vé khứ hồi của em tự động chuyển thành vé một chiều. Em đã bay một chiều rồi mà chiều về không được, cảm giác giống như họ 'đem con bỏ chợ' vậy", Tuyết Ngân hoang mang nói.
Rạng sáng 14/2, Chu Việt Dũng, sinh viên ngành công nghệ thông tin, đại học Paris-Est Créteil Val-de-Marne, nhanh tay mua ba vé khứ hồi về Việt Nam với giá 4,8 triệu khởi hành vào tháng 4, tháng 8 và tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, đến ngày 16/2, Việt Dũng nhận được ba bức thư từ Air France thông báo hủy từng vé.
"Chúng tôi rất tiếc xin thông báo hồ sơ đặt chỗ với Air France của quý khách bị hủy vì vấn đề tải giá lên hệ thống bị lỗi", nội dung thư điện tử viết bằng tiếng Việt với một số lỗi chính tả, phông chữ. Việt Dũng cho biết Air France còn không ẩn địa chỉ e-mail của các khách hàng khác.
"Âm thầm xóa vé của khách là hành động không thể chấp nhận được", Việt Dũng nói. "Là một hãng lớn, Air France cần công khai xin lỗi và hoàn tiền một cách đàng hoàng". Được thành lập vào năm 1933, hãng hàng không quốc gia Pháp hiện có gần 200 điểm đến tại 80 quốc gia trên thế giới.
Anh Nguyễn Trí Công, quản lý một đại lý vé máy bay lớn ở Hà Nội, nhận định nhiều khả năng hệ thống của Air France bị lỗi và "bộ phận kỹ thuật sau đó đã đặt lệnh hủy tự động toàn bộ các giao dịch liên quan".
"Nếu đây thực sự là một chiến dịch khuyến mại thì thời gian khởi hành sớm nhất cũng phải tầm một tháng sau khi hành khách mua được vé", anh Trí Công nói, đề cập trường hợp Tuyết Ngân mua vé siêu rẻ trước giờ bay chỉ 48 tiếng.
Tuy nhiên, anh Trí Công, người có nhiều năm kinh nghiệm làm dịch vụ phân phối vé máy bay, nhấn mạnh Air France không có quyền đơn phương hủy vé điện tử với hành khách. "Vé điện tử chính là bản hợp đồng giữa hai bên. Hãng sẽ không thể viện cớ lỗi hệ thống để chối bỏ trách nhiệm", anh nói.
Tuyết Ngân cho biết Air France ngày 17/2 đã trả vào tài khoản của cô tấm vé quay lại Pháp. "Em đã tính đến trường hợp xấu nhất là phải mua vé một chiều về Pháp vào ngày 25/2", cô sinh viên thở phào nhẹ nhõm.
Một nhóm trên mạng xã hội Facebook tập hợp những người mua vé siêu rẻ của Air France đã thu hút gần 2.000 người tham gia. Số lượng thành viên không phản ánh chính xác số hành khách bị ảnh hưởng nhưng cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp tới vụ việc.
Nhiều người trong nhóm bình luận bức xúc và bàn bạc cùng nhau thuê luật sư để khởi kiện Air France tại Pháp. Một số hành khách tại Hà Nội quyết định đến làm việc với văn phòng đại diện Air France vào sáng ngày 21/2 "nhằm làm rõ những khúc mắc trong việc bán vé vừa qua".
Nhiều thành viên trong nhóm còn lo rằng nếu hãng chỉ hoàn tiền vé thì họ sẽ "mất trắng" vì vé chỉ khoảng 50.000 đồng, hơn 4 triệu đồng là tiền thuế và phí. Các khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế mất thêm chi phí chuyển đổi ngoại tệ và Air France không hoàn trả khoản tiền này.
VnExpress đã liên lạc với đại diện của Air France tại Việt Nam nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức từ hãng về vụ việc.
Hạnh Phạm