152 trẻ em, thiếu niên Việt Nam mất tích tại các trung tâm chăm sóc kể từ năm 2015 và 88 người biến mất tạm thời. Riêng trong mùa hè này, 12 em biến mất tại thị trấn Rochdale, Times hôm nay đưa tin.
Sau khi thu thập dữ liệu theo đề nghị dựa trên luật Tự do thông tin (FOI), báo này xác định 8.670 trẻ em được ghi nhận mất tích ít nhất một lần trong thời gian chăm sóc hồi năm ngoái. Hầu hết các vụ mất tích kéo dài chỉ từ vài giờ tới hai ngày.
Các chuyên gia cho biết một số em "hoảng sợ" sau khi bị giới chức Anh giữ và trốn chạy, trở về tay những kẻ buôn người.
Baroness Eilzabeth Butler-Sloss, chủ tịch nhóm quốc hội về nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại, cho rằng con số "rất đáng quan ngại". Bà cho rằng Bộ Nội vụ Anh cần "sắp xếp đặc biệt" với những trẻ đặc biệt có nguy cơ gặp rủi ro.
Helen Johnson, lãnh đạo cơ quan phụ trách trẻ em tại Hội đồng Người tị nạn, cho rằng hầu hết trẻ em bị đưa vào Anh một cách trái phép đều ở trong tình trạng nợ nần, điều một số giới chức địa phương không hay biết. "Nếu trẻ bị đối xử với thái độ thù địch, chúng sẽ tin những điều những tên buôn người nói với chúng, rằng chúng sẽ không được giúp đỡ hay được người ta tin rằng chúng đang nợ nần", bà nói.
Bộ Nội vụ Anh cho biết cơ quan đang củng cố quy định về nhà chăm sóc xã hội với trẻ em, yêu cầu chính quyền địa phương có trách nhiệm báo cáo về tất cả các vụ mất tích, kể cả khi nó kéo dài chưa tới 24 giờ.
Hồi tháng 8, Cơ quan chống Tội phạm Quốc gia cho biết có hơn 300 chiến dịch cảnh sát nhằm xử lý nạn nô lệ thời hiện đại ở Anh, trong đó có các vụ việc ảnh hưởng đến "mọi thị trấn và thành phố lớn trên đất nước".
Trọng Giáp