Ảnh minh họa: mtview.us. |
Tôi định cư tại Mỹ đã được 8 năm, 5 tháng, 24 ngày. Tôi đã về thăm quê hương 7 lần. Không có ngày nào mà gia đình tôi không nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Niềm vui duy nhất là mỗi tuần gọi về thăm gia đình và mỗi đầu tháng gửi tiền về để giúp đỡ người thân và mỗi năm tranh thủ về Việt Nam một lần.
Cả hai vợ chồng tôi làm nhà hàng ngày 12 tiếng, chủ nhật nghỉ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Tôi biết nhiều gia đình Việt Nam tại Mỹ cũng tuơng tự. Quê hương lúc nào cũng ở trong tôi nhưng để quay về ngay lúc này thì không thể vì tương lai con cái, vì cuộc sống của chính tôi và vì nhưng người tôi yêu tại Việt Nam.
Dẫu biết sự so sánh nào cũng sẽ khập khiễng, đặc biệt lại giữa Việt Nam, một nước đang phát triển, và Mỹ cường quốc của thế giới. Nhưng tôi nghĩ so sánh để rút ra kinh nghiệm học hỏi là điều nên làm. Tại sao Mỹ giàu mạnh còn Việt Nam quê mình thì cái sự khó khăn hay cái nghèo cứ mãi đeo bám? Tôi biết nhiều bạn sẽ nghĩ giống tôi như tôi từng suy nghĩ và tranh luận với mọi người khi mới đặt chân tới đây là vì chiến tranh liên miên và thiên tai bão lụt... Nhưng ở đây rồi tôi mới nghiệm ra rằng tất cả là biện minh, tự ái dân tộc và tự mãn. Có ở Mỹ mới thấy Mỹ hay như thế nào. Tôi chỉ mong sao quê hương mình cũng sẽ được như vậy.
Cái hay mà tôi thấy và chúng ta cần học hỏi là cách quản lý con người và vận hành xã hội. Họ quản lý mọi người bằng một con số gọi là số an sinh xã hội cũng giống như giấy CMND của mình vậy nhưng lại rất bao quát. Cuối năm chính phủ gửi về cho từng người thông báo năm vừa rồi làm bao nhiêu tiền, đóng thuế bao nhiêu, và nếu không tiếp tục làm việc nữa thì sẽ được trợ cấp mỗi tháng bao nhiêu.
Bên cạnh đó họ bắt buộc mỗi người phải tự xây dựng uy tín của mình thông qua việc ngân hàng cho mượn tiền, trả đúng kỳ hạn. Nếu trả thiếu hoặc trễ hoặc sử dụng hơn 30% số tiền được mượn sẽ bị trừ điểm. Chẳng hạn nếu đi mua xe trả góp đầu tiên là họ sẽ kiểm tra xem thử uy tín mình có tốt không thông qua ngày sinh tháng đẻ và số an sinh xã hội. Nếu tốt thì sẽ được mua với tiền lời thấp, không tốt thì tiền lời cao thậm chí không được mua xe. Như vậy để có phương tiện đi làm dù không có tiền thì bản thân mình phải cố chấp hành để xây dựng uy tín tốt chứ đợi có tiền mới sở hữu được xe thì không biết đến bao giờ.
Các công việc như vậy đều có liên quan chặt chẽ với nhau chẳng hạn luật của nước Mỹ bắt buộc người điều khiển xe phải có bảo hiểm. Như vậy nếu vi phạm luật giao thông tuỳ theo mức sẽ phải mua bao hiểm với giá cao. Chồng tôi một lần lái xe trên xa lộ quá mức quy định đã bị phạt 249 USD. Thay vì đường cao tốc cho phép lái xe 65 dặm/giờ, chồng tôi sơ suất lái nhanh đến 84 dặm. Vì vậy, chồng tôi vừa bị phạt và bị ghi giữ đến 3 năm. Thay vì mua bảo hiểm 850 USD/ năm, chồng tôi phải trả thành 1.400 USD/năm. Một lần như vậy cả nhà tôi nhớ đời, phải đợi đến 3 năm sau mới đuợc xoá và mua giá bình thường. Cho nên mỗi lần đi xe chúng tôi đều chú ý tốc độ. Còn nếu lái xe mà uống ruợu thì có thể bị đi tù hoặc tịch thu bằng lái.
Ở Mỹ mà không thể lái xe thì cũng giống như bị cụt chân vậy. Chính vì vậy mà tai nạn giao thông rất ít khi xảy ra. Ở quê hương mình điều tôi day dứt nhất là tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày, người chết thì đã đành, người ở lại mang nỗi đau cả đời và gánh nặng cho xã hội. Như bạn tôi đó, là giáo viên hạnh phúc bên chồng bên con, vậy mà có ai ngờ tai nạn giao thông cướp sinh mạng của mẹ bạn ấy, còn chân của bạn thì mất. Ngày về nuớc tôi đên thăm, tôi không cầm được nưóc mắt còn bạn thì lạnh lùng cố gắng che nỗi đau vì đã ở tận cùng nỗi đau rồi. Trường hợp bạn cùng xóm tôi cũng vậy. Hôm hai vợ chồng chở nhau đi ăn cưới, bị tai nạn cả hai cùng chết để lại hai đứa con cho bà ngoại. Tôi nghe mà đau xót quá. Nếu bà ngoại qua đời thì ai sẽ lo cho tương lai của hai em bé đó. Nếu chúng lớn lên thiếu sự chăm sóc, thiếu bản lĩnh chống chọi có thể sẽ trở thành những con người hư và vô tình thêm gánh nặng cho đất nước. Và còn nhiều trường hợp đau lòng...
Tôi nghĩ không phải do ý thức người dân mà do luật pháp chưa nghiêm. Nếu luật nghiêm khắc giống như ở Mỹ thì mọi người bắt buộc phải thi hành. Mỹ là đất nước đa chủng tộc nhưng người đến trước giống như người đến sau, ai cũng phải theo luật. Luật Việt Nam mình còn xen chuyện tình cảm, hoặc chạy luật nên người dân không tôn trọng. Nếu có vi phạm, việc đầu tiên nghĩ đến là làm sao lách luật để khỏi bị phạt. Vô tình người có tiền lại sướng, còn người nghèo thì sẽ gánh chịu. Chính vì vậy ở Việt Nam nếu có tiền thì sẽ sướng hơn ở Mỹ.
Một câu chuyện vui mà tôi nhân tiện xin kể cho các bạn nghe. Ông dượng tôi làm chủ nhà hàng, nhiều khách tới trong đó có cả cảnh sát, họ rất vui vẻ và thân thiện. Một lần dượng tôi đi câu. Loại cá mà dượng tôi câu theo quy định chỉ câu được 5 con. Vì câu trên thuyền nghĩ không ai thấy nên dượng tôi câu hơn 10 con, xui xẻo bị cảnh sát quan sát trên bờ, họ cho thuyền ra, duợng tôi dù cố gắng tẩu tán cá xuống sông nhưng cũng bị phạt gần 300 USD. Tên cảnh sát phạt dượng tôi là khách đến ăn của nhà hàng. Dượng tôi ấm ức lắm nhưng biết làm sao được vì luật Mỹ mà. Dượng tôi đùa, lần sau tên cảnh sát đó có đến thì không bán cho hắn nữa.
Điều tôi day dứt nữa là môi trường sống, tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng lớn. Con sông ngày xưa tôi thường bơi, nước trong xanh là vậy, nhìn tới đáy, vậy mà giờ đây tất cả dòng sông đều ô nhiễm, mọi thứ dơ bẩn đều thải ra sông. Như em tôi bên Việt Nam kể mỗi ngày em tôi phải đẩy dạt ít nhất 5 con heo vì tấp vào bờ đất nhà tôi (đang dịch heo tai xanh tại Việt Nam). Hoặc sông Thị Vải do Vedan làm ô nhiễm suốt mười mấy năm qua. Tôi đọc mà thấy giận những con người đó. Nếu bên nước họ thì họ đã không dám làm như vậy. Họ đã lợi dụng sơ hở của Việt Nam, dùng đồng tiền mua chuộc những người biến chất, xem thường luật pháp gây hậu hoạ cho môi trường, bao nhiêu chất độc mang thải ra sông. Ai gánh chịu ngoại trừ người dân chúng ta?
Nơi tôi ở có rất nhiều hồ nước trong xanh và rất sạch. Mỗi cuối tuần gia đình tôi đều ra đó câu cá, bơi thuyền, cắm trại. Tôi lại ao ưóc giá như những con sông quê hương mình đều giống như vậy. Vừa rồi nhân tiện bố tôi sang thăm, chúng tôi tổ chức đi du lịch một vài tiểu bang của nước Mỹ. Suốt chặng đường gần 5.000 cây số, tôi không chứng kiến một tai nạn giao thông nào. Hệ thống đường sá chằng chịt và hiện đại, biển báo rõ ràng. Tôi lại ao ước giá như Việt Nam mình chỉ cần có một tuyến đường như vậy nối Bắc Nam thì sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.
Một điều tôi thấy là cảnh sát Mỹ hay chạy trên đường, tôi nghĩ chúng ta cũng nên làm vậy. Cảnh sát không nên đứng một chỗ mà cùng tham gia giao thông nhằm cảnh báo mọi người có thể bị phạt. Tâm lý người lái sẽ đề phòng, lâu dần hình thành ý thức cẩn thận. Hy vọng nhờ thế sẽ giảm đưọc những tai nạn đáng tiếc.
Đó là những ý kiến đóng góp, những suy nghĩ, những trăn trở của riêng cá nhân tôi. Tôi mong và ao uớc hai điều duy nhất mà chúng ta có thể thực hiện được trong tầm tay là bảo vệ môi trường, an toàn giao thông để đất nước Việt Nam mình ngày càng đẹp và để con cháu chúng ta luôn tự hào mình là người Việt Nam. Cảm ơn toà soạn đã đăng bài của tôi. Mong ngày về lắm Việt Nam ơi!
ThuHang Le