Theo Forbes, Tuan Ho đến Mỹ cùng mẹ và em trai vào năm 2005, khi anh 10 tuổi và không biết nói tiếng Anh. Hy vọng sẽ có một tương lai rộng mở nhưng cuộc sống chìm trong sự bạo hành của cha dượng ở Dorchester, bang Massachusetts, đã thôi thúc anh đi tìm một lối thoát.
"Tôi như một tù nhân trong ngôi nhà của mình và trường học là lối thoát duy nhất của tôi", Ho viết trong một bài luận nhiều năm sau đó, khi xin học bổng một trường đại học. "Vì thế tôi đã dồn hết sức lực vào việc học tiếng Anh để cứu gia đình mình. Tôi nhận ra rằng tôi cần trang bị cho bản thân những kiến thức và công cụ phù hợp để thoát khỏi địa ngục của mình".
Ho học tiếng Anh bằng cách xem phim hoạt hình và đọc chú thích với một cuốn từ điển cầm tay. Anh nói lưu loát chỉ trong vòng 6 tháng.
"Sống trong hoàn cảnh khó khăn khiến tôi trưởng thành rất nhanh", Ho nói.
Ho và gia đình cuối cùng thoát khỏi người cha dượng. Mẹ anh làm đủ nghề để kiếm sống. Khi đó, Ho được nhận vào đại học Northeastern nhưng mức học phí 40.000 USD một năm vượt quá khả năng của anh.
"Về cơ bản, gia đình tôi không đủ sức chi trả", Ho nói.
Đó là khi anh lao vào viết luận. Dù tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai, Ho đã viết tới 120 bài luận để xin 40 học bổng.
"Tôi nhớ những ngày đạp xe xuôi ngược khu trung tâm, cố tìm những văn phòng cần giao thư", Ho kể.
Cuối cùng, nỗ lực của anh được đền đáp khi Ho kiếm đủ tiền để theo học đại học Northeastern ở Boston và năm nay, anh đã tốt nghiệp bằng kỹ sư cơ khí. Tuy nhiên, Ho sau đó nhận anh "không muốn làm việc với máy móc mà là con người. Anh muốn thay đổi cuộc sống, như cách giáo dục đã thay đổi cuộc sống của anh.
"Có nhiều bạn trẻ tài năng ở ngoài kia không được nhận học bổng để làm những điều họ thích và quan tâm", Ho nói. "Đó là ý tưởng về ScholarJet".
ScholarJet là một tổ chức phi lợi nhuận do Ho đồng sáng lập vào tháng 9/2017 để giúp các bạn trẻ có cơ hội kiếm tiền học đại học thông qua những gì anh gọi là "học bổng hành động".
Phối hợp với phòng nhân sự ở nhiều công ty khác nhau, ScholarJet tổ chức các cuộc thi tuyển sinh viên vào những vị trí cấp thấp và tặng học bổng cho họ.
Các thử thách mà họ cần vượt qua bao gồm thiết kế thiết bị cải thiện đời sống hàng ngày của người khuyết tật hoặc tạo video thu hút những khán giả hiện không quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu. Một thử thách khác từng được đưa ra là "Tạo một video dài 1-2 phút về ý tưởng kinh doanh mang tính đột phá của bạn".
Theo Ho, ScholarJet đã đưa ra 15 thử thách và tặng các học bổng tổng trị giá 34.000 USD cho những người chiến thắng. ScholarJet cũng lọt vào vòng chung kết của MassChallenge 2017, một cuộc thi khởi nghiệp đã thu hút hơn 3 tỷ USD kể từ năm 2010.
Hồi tháng 4, Ho là một trong ba doanh nhân xã hội được trao thưởng của chương trình Priscilla Chan Stride Service. Đây là chương trình được tài trợ bởi Sáng kiến Chan Zuckerberg, do tỷ phú Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan sáng lập năm 2015. Ho được tặng 30.000 USD vì "tinh thần kinh doanh và đam mê phục vụ cộng đồng" của anh.
Mô hình ScholarJet hiện thu từ các công ty một khoản phí thường niên để tạo ra các cuộc thi tuyển dụng nhân sự cấp thấp mỗi năm. Trong tương lai, Ho hy vọng mở rộng quy mô của ScholarJet, bao gồm việc cấp học bổng để giúp sinh viên chi trả khoản vay nợ học phí.
Ho, 23 tuổi, hiện sống chung nhà với mẹ anh. "Chúng tôi cần thêm vài năm nữa để tôi có đủ một khoản tiền tương xứng với chức danh CEO", anh nói.
Anh Ngọc (dịch)