"Hiện các cơ sở kinh doanh của tôi có tổng doanh thu khoảng 1,5 đến 1,6 triệu USD mỗi năm, sau khi trừ chi phí thì tổng tài sản có khoảng 700.000 USD", Quang, một người Việt ở thành phố Portland, bang Maine, chia sẻ với VnExpress về công việc của mình.
Chàng trai 28 tuổi, quê gốc Khánh Hòa, cho biết đây là thành quả anh đạt được sau 10 năm đặt chân đến đất Mỹ. Theo kế hoạch cá nhân, anh sẽ trở thành triệu phú vào năm 2019, khi chạm ngưỡng 30 tuổi.
Từ lúc đặt ra mục tiêu này cách đây ba năm, Quang đến nay liên tiếp mở ra các cơ sở kinh doanh, coi chúng như những nấc thang để tiến tới đích. Đó là Công ty tư vấn tài chính Win Financial Strategies (năm 2015), cửa hàng tạp hóa Le Variety chuyên các món ăn Việt (năm 2016) và hai tiệm làm móng là Star Nails tại thị trấn Windham ở hạt Cumberland, có từ năm 2014 và Cape Nails, Hair and Spa tại thị trấn Cape Elizabeth có từ tháng 7 năm nay. Tổng số nhân viên ở các cơ sở này lên đến 15 người, trong đó một số người thân của Quang giúp quản lý hoạt động chính.
"Các loại hình kinh doanh này giúp tôi đa dạng nguồn thu, không bị phụ thuộc vào một nguồn nào", Quang tiết lộ chiến lược của mình.
Cửa hàng Le Variety đã nổi tiếng ở Portland và vùng lân cận với món bánh mì Việt, hai tiệm làm móng vẫn ăn nên làm ra, nhưng Quang coi công việc chính của mình vẫn là tư vấn tài chính, theo đúng ngành mà anh đã theo học ở Maine.
Win Financial Strategies dù còn khá non trẻ nhưng Quang đang có khoảng 300 khách hàng, chủ yếu là người Mỹ. Dịch vụ chính của công ty là tư vấn, lập kế hoạch đầu tư cho những người sắp nghỉ hưu hoặc dự kiến nghỉ. Họ ở trong độ tuổi từ 40 đến 60, phần lớn là đầu tư vào chứng khoán.
"Mỗi khi gặp một khách hàng mới, tôi lại được nghe câu chuyện của họ, giúp họ tìm ra phương án để có cuộc sống thuận lợi khi về hưu. Vì thế tôi cảm thấy rất vui", Quang hồ hởi nói về niềm say mê của mình.
Để duy trì được chỗ đứng trong ngành tư vấn tài chính đầy cạnh tranh ở Portland, Quang đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại, kể từ khi đến Mỹ du học tự túc hồi năm 2007.
Kỷ niệm "nhớ đời" đến với Quang ngay ngày đầu tiên đến Mỹ. Khi đó, lúc mới 18 tuổi, do tiếng Anh không tốt, anh đã đặt nhầm vé máy bay từ Việt Nam sang Portland, bang Oregon, thay vì bang Maine, nơi người cậu ruột hẹn đón. Hai điểm này cách nhau đến gần 5.000 km. Sau đó nhờ có sự hỗ trợ của nhân viên sân bay, Quang đã đến tới nơi cần đến, nhưng mất đến ba ngày ròng rã cho hành trình.
Trong suốt thời gian theo học ở Trường cao đẳng Cộng đồng Southern Maine, để có tiền trang trải, chàng trai này đã phải đi làm thêm ở một nhà hàng Thái Lan từ 50 đến 60 tiếng mỗi tuần. Lúc đầu do không có xe ôtô và cũng không biết sử dụng xe bus, Quang phải đi xe máy trên quãng đường khá dài mỗi ngày. Khi quen với phương tiện công cộng, anh bắt đầu một ngày lúc 6h sáng và kết thúc sau 22h. Sự khác biệt văn hóa, cảm giác hụt hẫng khi sống xa nhà nhiều lúc khiến Quang nản chí, muốn quay trở về Việt Nam.
"Nhiều lúc tôi muốn từ bỏ, nhưng lại tự nhủ phải vượt qua khó khăn. Điều quan trọng nhất là phải đặt ra mục tiêu cho mình", Quang cho biết.
Rào cản ngôn ngữ một lần nữa thử thách chàng trai khi anh ra trường, xin vào làm ở một công ty bán bảo hiểm. Đặc thù công việc là không có lương cứng, thu nhập phụ thuộc vào hoa hồng từ việc bán bảo hiểm qua điện thoại. Quang liên tiếp bị khách hàng từ chối trò chuyện vì "nghe không hiểu gì".
Khi xác nhận được trở ngại chính của mình là vốn tiếng Anh, Quang tập trung vào khắc phục điểm yếu. Anh tích cực đi giao lưu, mở rộng các quan hệ xã hội để tiếp xúc với nhiều người bản xứ. Sau một năm, Quang trở nên tự tin vì "biết cần nói gì và không cần nói gì".
Nhìn lại chặng đường của mình, Quang cảm thấy khá hài lòng bởi anh vẫn trụ lại được với ngành tư vấn tài chính mà mình yêu thích. Với một người trẻ tuổi muốn có uy tín trong ngành, Quang cho rằng cần phải tạo được sự tin tưởng ở khách hàng, ngay từ trước khi gặp mặt, nhất là những người có khối tài sản lớn.
Theo đuổi những điều mình thích
Bí quyết thành công của Quang là không sợ thất bại, nhận thức được những điểm mạnh điểm yếu của mình. Là người châu Á, Quang hiểu rằng đôi lúc anh không được tin tưởng như người Mỹ bản địa trong lĩnh vực tư vấn tài chính, vì thế anh luôn trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước và biết chấp nhận khi công việc không được như ý. Là con lớn trong gia đình có 4 anh em trai, Quang từ bé đã quen làm việc chăm chỉ, phụ giúp bố mẹ kinh doanh, từ hàng bán giầy dép, bán dạo hoa, đồ ăn trên phố đến nuôi trồng thủy sản.
"Tôi luôn làm điều mình thích và nỗ lực vì nó. Công việc thì cũng có lúc khó khăn", Quang chia sẻ.
Đặt ra mục tiêu tài chính rõ ràng cho mình nhưng Quang không "đạt được bằng mọi giá". Anh tâm niệm luôn chú ý giúp đỡ người khác, và chính điều đó cũng mang lại nhiều may mắn cho anh trong công việc kinh doanh, được người khác giúp lại.
Quang cười lớn khi kể câu chuyện "có duyên" với tiệm làm móng Star Nails hồi năm 2014. Khi nghe hai người bạn nói về kế hoạch bán cửa hàng để chuyển đi nơi khác, Quang rất quan tâm nhưng khi đó tài khoản chỉ có vẻn vẹn 2.000 USD, chiếc xe đang đi cũng trị giá khoảng đó, trong khi tiệm nail có giá 100.000 USD. Anh đánh liều đi vay ngân hàng được 35.000 USD, mượn cậu và chị họ, rồi vay của chính chủ tiệm. Từ lúc xúc tiến là tháng 12/2013 đến tháng 4/2014, Quang đã trở thành ông chủ mới. Sau một năm hoạt động, tiệm làm móng đã giúp Quang trả hết số nợ.
Năm 2016, Quang là một trong những người tham gia đóng góp để xây dựng ngôi chùa Hội Đức ở South Portland, với mong muốn đây là nơi gìn giữ văn hóa và tiếng Việt. Từ khi có ngôi chùa, cộng đồng người Việt ở đây gia tăng các hoạt động sinh hoạt chung, họ đi lễ vào mùng một, ngày rằm và đón Tết. Đặc biệt, Quang còn mở lớp dạy tiếng Việt vào cuối tuần, dành cho các em nhỏ sinh ra tại Mỹ.
Không giấu được niềm vui, Quang cho biết đã đón được bố mẹ sang định cư hồi tháng 10. Bố mẹ sẽ hỗ trợ anh xúc tiến dự án kinh doanh vựa hải sản ở vịnh Casco, từ đó xuất khẩu tôm hùm sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nói về các kế hoạch sắp tới, Quang tiết lộ anh chuẩn bị ký hợp đồng với Công ty Avesta Housing để xây dựng một tòa nhà cao 5 tầng trên lô đất của cửa hàng Le Variety hiện nay. Trong tổng số vốn 13 triệu USD của dự án, Quang đóng góp một phần, sau đó giữ lại tầng một để mở rộng hoạt động của Le Variety. 64 căn khác trong toà nhà sẽ dành cho thuê.
"Tôi dự tính doanh thu của mình sẽ tăng lên đáng kể nhờ dự án mới này. Nó là một phần trong kế hoạch hai năm tới", Quang nói, thể hiện rõ sự háo hức.
Việt Anh