Vào buổi tối ngày 23/7, Petchinda Chantamart, 35 tuổi, một người dân ở làng Xay Done Khong, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, nghe thấy âm thanh giống như một quả bom phát nổ cách đó vài km, sau đó là tiếng động kỳ lạ, giống như một cơn gió mạnh, theo New York Times.
Và rồi theo bản năng, cô biết rằng một trong những con đập đang xây dựng gần ngôi làng của cô đã bị vỡ. Chantamart bắt đầu đập cửa hàng xóm, thúc giục họ chạy đến vùng đất cao hơn. "Nước đang đổ ập xuống", Chantamart gào lên.
Chỉ trong nửa giờ, nước lũ đã nhấn ngôi làng Xay Done Khong ngập sâu hơn 9 m và vẫn tiếp tục dâng cao. Chantamart và nhiều hàng xóm của cô thoát khỏi trận lũ chết người nhưng nhiều người khác không may mắn như vậy. 15 người, trong đó có 9 trẻ em của làng vẫn mất tích. Chantamart không thể tới báo động cho họ vào đêm xảy ra vỡ đập vì nước lũ dâng lên quá nhanh.
"Từ đáy lòng mình, tôi thực sự rất lo lắng cho họ", cô chia sẻ.
Sau khi cô và hàng trăm người khác chạy tới vùng đất cao hơn, binh sĩ và quan chức địa phương đưa họ đến thị trấn Paksong, phía tây khu vực đập vỡ. Họ trú ẩn trong một nhà kho bỏ trống thường được dùng để cất giữ cà phê.
Tối 25/7, cơn mưa nặng hạt trút xuống Paksong. Bên trong nơi trú ẩn, người lớn và trẻ em cặm cụi ăn cơm gạo nếp bằng bát nhựa giữa đống quần áo và dép bẩn. Một số người ngồi trên tấm bạt màu xanh và cam được trải trên sàn bê tông, nhiều người khác nhìn vào xa xăm bằng những ánh mắt trống rỗng, đờ đẫn.
Một nhà ăn tạm thời được dựng lên trong bãi đậu xe có mái che của nhà kho. Chantamart cho biết cô chẳng hy vọng còn gì sót lại trong ngôi nhà và làng của cô. "Lần lượt từng ngôi nhà đều đã biến mất", cô nói.
Chantamart nói rằng cô không chắc ai chịu trách nhiệm về sự cố nhưng chính phủ và các nhà thầu dự án thủy điện phải hành động nhiều hơn để giúp đỡ các nạn nhân.
"Mọi người ở đây bị sốc, sợ hãi và đau buồn cho nhau vì những mất mát mà chúng tôi phải chịu đựng", Chantamart chia sẻ, trong khi những đứa trẻ mặc quần áo lem luốc vây quanh cô.
Khoảng 70% dân số làng Xay Done Khong là người dân tộc thiểu số, mưu sinh chủ yếu bằng trồng lúa và cà phê. Thỉnh thoảng, họ kiếm được việc làm thuê ban ngày.
Khamla Souvannasy, một quan chức ở Paksong, cho biết chính quyền địa phương đang nỗ lực để hỗ trợ hàng trăm người đang lánh nạn ở nhà kho này. "Thời tiết là một trở ngại. Chúng tôi đang tìm thêm những tấm nệm cho người dân nằm ngủ", ông nói, trong khi mưa lớn vẫn không ngừng trút xuống mái nhà kho. "Thảm họa đã đến rất nhanh. Không có cách nào để chuẩn bị cho điều đó nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực".
"Mọi người ở đây đều đã mất mọi thứ, nhà cửa, vật nuôi. Tất cả những gì chúng tôi giữ lại được chính là mạng sống", Den Even Den, một nông dân ở làng Xay Done Khong cho biết.
Đập phụ "Saddle dam D" của dự án thủy điện tỷ đô Xe-Pian Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, bị vỡ vào khoảng 20h tối 23/7, gây ngập 7 ngôi làng ở vùng hạ lưu.
Tại cuộc họp báo hôm 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói rằng 131 người vẫn mất tích và hơn 3.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Nhiều người được lực lượng cứu hộ giải cứu từ các mái nhà và thân cây.
Quan chức lãnh sự Thái ở Lào Chana Miencharoen nói rằng giới chức đã tìm thấy 26 người thiệt mạng nhưng huyện trưởng Sanamxay, Bounhome Phommasane, cho biết chỉ có một thi thể được tìm thấy. Ông cho rằng thông tin mà truyền thông địa phương và quốc tế đang đăng tải về số người chết đã tính cả những người được coi là đang mất tích. "Tôi không thể xác nhận họ đã chết hay còn sống. Chúng tôi chưa tìm thấy họ", Phommasane nhấn mạnh.
International Rivers, một tổ chức phi chính phủ phản đối việc xây dựng đập thủy điện ồ ạt ở Lào, cho biết đập phụ đã bị vỡ khi nước lũ từ những trận mưa lớn khiến nó bị tràn. Tổ chức này khẳng định thảm họa ở Lào cho thấy nhiều đập không được thiết kế để đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
"Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và không thể đoán trước đang trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, đặt ra mối lo ngại sâu sắc về an toàn cho hàng triệu người sống ở hạ lưu các con đập", International Rivers nói trong thông báo đăng tải trên mạng.
"Người dân không nhận được sự cảnh báo đầy đủ và tiên tiến để đảm bảo sự an toàn cho họ và gia đình. Sự cố đặt ra câu hỏi về tiêu chuẩn và an toàn cũng như khả năng chống chịu rủi ro thời tiết của các đập thủy điện ở Lào", tuyên bố nói.
Người dân Lào ngồi trên nóc nhà tránh lũ sau sự cố vỡ đập. Video: Attapeu Today.
Huyền Lê