Cảnh tưởng dữ dội trên diễn ra hôm qua trong khi các nhân viên cứu hộ thông báo họ không thể tìm kiếm thêm được người nào sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà 8 tầng bị sập hôm thứ tư. Ngoài 385 người thiệt mạng, ước tính có hàng nghìn người bị thương.
Những tình nguyện viên đang giúp một nạn nhân thoát khỏi đống đổ nát.Ảnh: AFP |
Tòa nhà là nơi tọa lạc của 5 công ty may với hàng nghìn công nhân, chủ yếu là nữ. Người ta đã dùng nhiều cần cẩu để di chuyển những khối bê tông lớn của Rana Plaza nhằm tạo điều kiện cho những người sống sót có cơ hội thoát ra.
Tám người đã bị bắt tính đến nay, gồm bốn giám đốc nhà máy may, hai kỹ sư, chủ sở hữu của tòa nhà và cha ông ta. Giới chức đang truy lùng giám đốc công ty may thứ năm, được cho là một người quốc tịch Tây Ban Nha. Hầu hết sản phẩm của các công ty may mang nhãn mác phương Tây và để xuất khẩu.
Chủ tòa nhà, ông Rana, hầu tòa hôm nay khi tay bị còng. Ông ta bị bắt tại một thị trấn biên giới, 4 ngày sau khi giới chức mở chiến dịch truy lùng. Rana được cho là đang tìm cách trốn sang Ấn Độ.
"Đưa kẻ giết người lên giá treo cổ", Reuters dẫn lời một người tham dự phiên tòa. "Hắn không xứng được tha thứ hay khoan hồng". Rana bị tạm giữ 15 ngày để điều tra.
Tối hôm qua, trong khi tiếp tục cắt và di chuyển các khối bê tông, thiết bị cắt gây ra một đám cháy ở đống đổ nát và khiến hy vọng tìm được thêm người sống sót càng thêm mỏng manh. Tổng cộng 2.500 người đã thoát khỏi tòa nhà sập ở khu vực mang tên Savar, cách thủ đô Dhaka 30 km.
Bangladesh là quốc gia có ngành may mặc xuất khẩu lớn thứ nhì thế giới sau Trung Quốc, thu hút lượng nhân công tới 3,6 triệu người chủ yếu là nữ. Tuy nhiên điều kiện an toàn lao động của ngành này gây nhiều lo ngại. Tháng 11 năm ngoái, một vụ cháy ở nhà máy may ngoại ô Dhaka khiến 112 người thiệt mạng.
Ánh Dương