Cựu quân nhân này giữ bí mật danh tính trong bài phỏng vấn với tạp chí Esquire, nhưng lần đầu tiên tiết lộ vai trò của mình trong cuộc tập kích táo bạo vào tháng 5/2011, cũng như những lo lắng về tình hình an ninh của gia đình ông.
“Ông ấy nhìn có vẻ bối rối, và cao hơn nhiều so với tôi nghĩ,” lính biệt kích này nói về bin Laden. Khi các lính biệt kích bắt gặp Bin Laden trong bóng tối ở tầng ba khu nhà nơi ông trú ẩn tại thị trấn Abbottabad ở Pakistan, thủ lĩnh Al Qaeda đang choàng tay qua vai người vợ trẻ nhất với một khẩu súng trường AK-47 bên cạnh.
Osama bin Laden trong một bức ảnh được chụp vào năm 1998. Ảnh: AP. |
“Ông ta có một khẩu súng trong tầm tay, là một mối đe dọa. Tôi phải bắn vào đầu để ông ấy không có cơ hội”, tay lính biệt kích nói.
“Trong tích tắc đó, tôi nổ súng vào ông ta, hai lần vào trán. Sau viên thứ hai ông ấy ngã xuống. Khi ông ấy nằm trên sàn nhà ngay trước giường, tôi nổ một phát đạn nữa, vào cùng một chỗ. Ông ta đã chết, không cử động, lưỡi thè ra ngoài.”
Bài báo trên Esquire, gọi tay súng biệt kích ẩn danh là “Kẻ nổ súng,” nói cựu quân nhân SEAL này giờ là một người hùng không được ai biết đến, không có lương hưu, bảo hiểm y tế hay các đảm bảo an ninh cho gia đình. Bài báo có tựa đề “The Man Who Killed Osama bin Laden... is Screwed” (Người đã giết Osama bin Laden… đang gặp trắc trở).
Bài báo dài trên tạp chí xuất hiện sau khi một lính SEAL khác tham gia cuộc tập kích, Matt Bissonnette, xuất bản một cuốn sách vào năm ngoái, “No Easy Day” (Ngày không dễ dàng) đã khiến các quan chức Lầu Năm Góc khó chịu vì cho rằng Bissonnette đã phá vỡ cam kết không tiết lộ các thông tin được xếp loại mật.
Các binh sĩ và điệp viên, dù đã về hưu hay chưa, được yêu cầu nộp các bản thảo sách định xuất bản cho Lầu Năm góc kiểm duyệt để đảm bảo không làm lộ các thông tin nhạy cảm. Nhưng bài báo của Esquire không được nộp trước cho Bộ Quốc phòng Mỹ, theo một quan chức trong bộ.
Bộ Quốc phòng nói họ đang xem xét liệu bài báo có để lộ thông tin mật nào không. Bài báo trên Esquire xác nhận lại những câu chuyện đã được kể trước đó về cuộc tập kích tiêu diệt bin Laden, bao gồm trong cuốn “No Easy Day.”
Theo Esquire, toàn bộ cuộc đụng độ với Bin Laden chỉ kéo dài 15 giây, nhưng các khoảnh khắc lo lắng nhất xảy ra trước đó, khi một chiếc trực thăng tàng hình Black Hawk được sử dụng trong cuộc đột kích gặp nạn lúc hạ cánh xuống khu nhà.
“Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đây được,” tay súng kể. “Tôi tưởng chúng tôi sẽ phải ăn cắp xe và lái tới Islamabad. Vì một lựa chọn khác là ở lại đấy và đợi cho tới khi quân đội Pakistan xuất hiện… Đó là điều khiến tôi lo lắng.”
Sau cuộc tập kích, trở lại căn cứ ở Jalalabad, Afghanistan, tay súng đưa một nữ nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tới nhận xác, chi tiết đã trở nên nổi tiếng trong bộ phim Hollywood “Zero Dark Thirty.”
“Chúng tôi nhìn xuống và tôi hỏi: Đây là người của quý vị đúng không? Cô ấy đã bật khóc”, tay súng kể lại. “Lúc đó tôi gỡ băng đạn ra khỏi khẩu súng và đưa cô ấy làm quà lưu niệm. Còn lại 27 viên trong đó: Tôi hy vọng cô có chỗ trong ba-lô cho cái này. Đó là lần cuối cùng tôi gặp cô ấy.”
Dù là người hùng lúc đó, tới mùa hè 2012, sau khi giải ngũ, tay súng giấu tên nói ông rất lo lắng về những cuộc tấn công báo thù nhắm vào gia đình mình và làm sao để kiếm sống khi trở về làm thường dân. Vì rời hải quân sau 16 năm phục vụ, ông không đủ tiêu chuẩn được nhận lương hưu, là thứ chỉ dành cho những người phục vụ ít nhất 20 năm.
Theo Vietnam +