Theo Korea Herald, Singapore đã bắt đầu quy trình cấp phép cho các phóng viên báo chí nước ngoài muốn đưa tin về sự kiện dự kiến diễn ra ngày 12/6. Các khách sạn đã ngưng nhận đặt phòng hoặc lấy lại những phòng dành cho các công ty lữ hành nhằm phục vụ lượng du khách tăng cao quanh cuộc gặp đặc biệt này.
Tuy nhiên, cuộc gặp được đánh giá là sẽ mang tính lịch sử đã không trở thành hiện thực sau khi Tổng thống Donald Trump hôm qua gửi thư cho lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng việc hai bên gặp nhau vào lúc này là "không thích hợp".
Các khách sạn trên hiện đã bố trí lại phòng cho các công ty lữ hành. Các sĩ quan cảnh sát Singapore cũng nhận được thông báo rằng họ có thể xin nghỉ phép vào ngày 12/6 nếu muốn.
Chính phủ của đảo quốc bày tỏ sự tiếc nuối khi kế hoạch đổ vỡ. "Singapore hy vọng cuộc đối thoại và những nỗ lực nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho hay.
Trong lá thư gửi đến ông Kim và được đăng trên trang web Nhà Trắng, ông Trump nói rằng việc hủy cuộc gặp dựa trên "sự nóng giận dữ dội và thù địch rõ ràng" của Triều Tiên trong phát ngôn gần đây.
"Tôi rất sốc trước lá thư của Trump, nhất là vì nó được đưa ra cùng ngày phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri và chỉ hai ngày sau cuộc gặp của ông ấy với Tổng thống Moon Jae-in", ông Shawn Ho, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói. "Trong cuộc họp báo, Trump nói cuộc gặp vẫn có thể diễn ra. Triều Tiên cũng nói trong thông cáo gần nhất rằng muốn cuộc gặp được tổ chức. Tôi nghĩ chúng ta nên đợi thêm 24 giờ xem phản ứng tiếp theo của Trump để hiểu rõ liệu cuộc gặp thực sự bị hoãn hay hủy".
Một số người Singapore cho hay họ không bất ngờ.
"Thực ra, tôi đã đoán trước điều này vì tôi cảm thấy mọi chuyện diễn ra quá suôn sẻ đến khó tin. Tôi không nghi ngờ gì về ý định tốt đẹp của hai bên khi tổ chức cuộc gặp liên Triều, và có lẽ ông Kim thực sự quý trọng những nỗ lực mà ông Moon đã bỏ ra, nhưng để có một bước nhảy vọt với ông Trump là quá xa", Amanda Toh, một gia sư, nói. "Cách truyền thông tô vẽ mọi thứ sau cuộc gặp liên Triều là quá vội vàng. Không khó để bắt tay và băng qua biên giới, nhưng để phi hạt nhân hóa là một điều hoàn toàn khác. Tôi nghĩ Trump lo ngại kết quả cuộc gặp sẽ không như công chúng mong đợi nên ông ấy đã hủy".
Elizabeth Tan, một người Singapore khác, cũng cho hay cô "không ngạc nhiên trước quyết định đường đột từ một trong những lãnh đạo khó đoán nhất thế giới, người đã hủy bỏ nhiều thứ khác, trong đó hiệp định TPP và hiệp định về chống biến đổi khí hậu Paris.
"Tốt hơn là Mỹ hủy kế hoạch để xem Triều Tiên chân thành như thế nào. Triều Tiên có lịch sử hủy hẹn vào phút chót. Đó chỉ là một chiến thuật đàm phán tiêu chuẩn của Mỹ để xem Triều Tiên có thực sự muốn hay không", một người có tên Chien Cheng bình luận.
Tania Lindsay-Jean, một người Mỹ ở Singapore, cho hay cô thấy nhẹ nhõm khi cuộc gặp đã không diễn ra, bởi đây sẽ là ác mộng đối với giao thông. "Trump sẽ được hưởng công trạng từ cuộc gặp này chỉ khi nó diễn ra đúng nơi vào đúng thời điểm", cô nói.