Vào năm 1971, một thiếu nữ 17 tuổi, sinh và lớn lên ở thị trấn Skelleftea nằm ở rìa cực bắc của Thụy Điển, lần đầu tiên tham gia một buổi tọa đàm chính trị. Diễn giả ngày hôm đó nói về sự tàn khốc của cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam. Lẫn trong đám đông khán giả, cô gái trẻ cảm thấy xúc động mạnh. Cô không thể ngừng suy nghĩ về những số phận dân thường trong cuộc chiến. Đó chính là thời điểm Margot Wallström quyết định đi theo con đường hoạt động chính trị.
"Những điều tôi nghe giống như lời cảnh tỉnh. Khoảng thời gian đầy biến động chính trị đó nhen nhóm trong tôi quyết tâm phải hành động để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn", Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallström, 63 tuổi, mở đầu bài phát biểu trước hàng trăm sinh viên đại học ở Hà Nội hôm 22/11, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 21-23/11.
Chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân bà vì gợi nhớ cho bà về quãng đời tuổi trẻ tham gia biểu tình phản chiến, gây quỹ ủng hộ nạn nhân chiến tranh và nhận thức được sức mạnh của các hoạt động chính trị.
"Tôi học được rằng chúng tôi có thể tạo ra sự thay đổi," bà nhắc tới cố thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, người dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành chống chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm vào năm 1968.
Margot Wallström trở thành thành viên sáng lập tổ chức thanh niên của đảng Dân chủ Xã hội vào năm 17 tuổi. Khoảng 8 năm sau đó, bà được bầu vào quốc hội. Bước vào tuổi 34, bà nắm giữ chức bộ trưởng quản lý công. Từ 1988 đến 1998, nữ chính trị gia này liên tiếp lãnh đạo bộ văn hóa và bộ vấn đề xã hội.
Thường xuyên dẫn đầu các cuộc trưng cầu dân ý về mức độ tín nhiệm, bà sớm được chọn vào vai trò chủ tịch tương lai của đảng Dân chủ Xã hội. Năm 1999, chính phủ Thụy Điển cử bà đến Brussels làm ủy viên Ủy ban châu Âu về môi trường. Vào năm 2010, bà trở thành đại diện đặc biệt đầu tiên của Liên Hợp Quốc chống bạo lực tình dục trong chiến tranh. Năm 2014, bà quay trở về Thụy Điển để phụ trách bộ ngoại giao.
Tiết lộ với các sinh viên ở Hà Nội, bà Ngoại trưởng cho biết một trong những điều khiến bà hối tiếc nhất là không học đại học. Nhắc đến việc trường đại học Lund uy tín của Thụy Điển mời bà giữ chức đồng chủ tịch hội đồng nhà trường vào năm 2013, bà hóm hỉnh nói "cuối cùng tôi cũng vào đại học dù rằng muộn".
Bà chia sẻ rằng điều thú vị nhất trong công việc của một ngoại trưởng không phải là "tham dự các bữa tiệc ngoại giao" mà được gặp gỡ những người trẻ trên khắp thế giới với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau để "lắng nghe hy vọng, ước mơ, khao khát mà người trẻ ấp ủ cũng như những thử thách mà họ phải đối mặt".
Ngoại trưởng Wallström cũng muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ như bà từng được truyền cảm hứng cách đây hơn 40 năm.
"Tôi khuyên các bạn hãy học tập chăm chỉ, đọc nhiều sách để mở rộng góc nhìn và tìm cho mình những người bạn ủng hộ và vỗ về ta đi qua những khó khăn", bà nói và nhìn xuống phía dưới đám đông khán giả là những sinh viên mới ngoài 20 tuổi. "Một điều quan trọng nữa, hãy làm điều gì đó không vì sự ích kỷ của bản thân".
Ngoại trưởng 'nữ quyền'
"Ấn tượng của tôi về phụ nữ Việt Nam là họ rất mạnh mẽ và dũng cảm. Tôi muốn khuyến khích họ đoàn kết và nâng đỡ nhau. Họ nên tận dụng các cơ hội để cất lên tiếng nói và đấu tranh cho quyền lợi của bản thân. 'Hãy là chính mình' đó chính là thông điệp của tôi muốn gửi tới phụ nữ Việt", Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallström nói với VnExpress ngày 23/11 trước khi bà lên máy bay về nước.
Ngay sau khi nhậm chức Ngoại trưởng vào tháng 11/2014, Ngoại trưởng Wallström khởi xướng "chính sách ngoại giao vì sự bình đẳng cho phái nữ". Bà đưa mục tiêu tranh đấu vì quyền của trẻ em gái và phụ nữ trên thế giới vào trọng tâm các chính sách đối ngoại của Thụy Điển. Quyết tâm của bà không nằm trên giấy tờ mà được hiện thực hóa bằng hành động.
Vào tháng 3/2015, Saudi Arabia triệu hồi đại sứ tại Stockholm về nước đồng thời cáo buộc Thụy Điển "can thiệp quá sâu" vào công việc nội bộ sau khi Ngoại trưởng Margot Wallström lên án vấn đề dân chủ, nhân quyền và bất bình đẳng giới của quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này.
Vụ việc nhanh chóng leo thang căng thẳng. Chính phủ Thụy Điển hủy bản ghi nhớ bán vũ khí trị giá hơn 1 tỷ USD cho quốc gia vùng Vịnh. Saudi Arabia cho rằng bà Wallström là nguyên nhân dẫn tới quan hệ hai nước "đóng băng". Còn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vũ khí trong nước chỉ trích nữ ngoại trưởng do lo ngại thiệt hại kinh tế.
Kiên định với quan điểm "đấu tranh vì bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu mà là điều kiện tiên quyết của Thụy Điển trong việc thực hiện các chính sách an ninh, phát triển và đối ngoại", Ngoại trưởng Wallström bĩnh tĩnh vượt qua sự cố ngoại giao đó.
Báo chí phương Tây không ngần ngại gọi bà là "nhà ngoại giao cực kỳ không ngoại giao". Ngoại trưởng Wallström từng nhiều lần nêu rõ quan điểm bà phản đối những phát ngôn mà bà cho là thiếu tôn trọng phụ nữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lần này, khi VnExpress hỏi có phải bà không thích ông Trump, Ngoại trưởng cười xòa nhằm xoa dịu vấn đề nhưng vẫn thẳng thắn khẳng định bà "phẫn nộ với những phát ngôn hằn thù nhắm vào phụ nữ" và "chúng ta không thể ngó lơ những lời nói đó".
"Chúng ta không thể phủ nhận ngày nay vẫn còn những người ở vị trí quyền lực tìm cách cản trở sự tiến bộ của phụ nữ", bà nói.
Tại Việt Nam, bà cho biết chính phủ Thụy Điển triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ, trong đó nổi bật nhất là dự án khuyến khích phụ nữ Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động chính trị và dự án đảm bảo quyền tiếp cận sức khỏe tình dục và sinh sản.
Trong chuyến thăm Việt Nam này, bà có buổi trò chuyện thân mật với một số phụ nữ Việt Nam để chia sẻ quan điểm về các chính sách trao quyền cho phụ nữ.
"Cách bà nói những câu chuyện 'cứu thế giới' nhẹ nhàng như khi chị em mình bàn nhau uống trà cúc với mật ong vậy, không chút lên gân nào mà rất chắc chắn, điềm tĩnh", chị Đỗ Thùy Dương có mặt trong buổi gặp gỡ với bà Wallström, chia sẻ. Chị Dương hiện là phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, tổng giám đốc TalentPool và đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Sự "điềm tĩnh" đó có thể xuất phát từ chính trải nghiệm cá nhân. Bà công khai thừa nhận mình từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vậy nên, bà hiểu cảm giác bất lực của một người phụ nữ ở thế yếu và bị kiểm soát.
"Ý niệm cốt lõi của nữ quyền chính là nhân quyền, nghĩa là phụ nữ cần được hưởng những quyền lợi của một con người", Ngoại trưởng Thụy Điển nhấn mạnh.
Hạnh Phạm