"Ngoại trưởng Mike Pompeo tái khẳng định quan ngại sâu sắc của chúng tôi về việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, vì những hành động đó làm gia tăng căng thẳng, phức tạp và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm suy yếu sự ổn định của khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/6 thông báo, đề cập đến nội dung cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Reuters.
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra hai ngày sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều. Đề cập đến vấn đề Triều Tiên trong cuộc hội đàm với ông Tập, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington vẫn kiên quyết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".
Chủ tịch Trung Quốc nói rằng hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên là "bước khởi đầu quan trọng" để hướng tới giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, song ủng hộ cách tiếp cận "từng bước" đối với việc phá hủy vũ khí hạt nhân. Đây là bình luận công khai đầu tiên của ông Tập từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, được cho là ủng hộ cách tiếp cận phi hạt nhân hóa "theo giai đoạn và đồng bộ" mà Triều Tiên đề xuất.
Pompeo nói rằng ông và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thống nhất rằng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ chỉ được dỡ bỏ chỉ sau khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tại Đối thoại Shangri-La hôm 2/6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi "mối quan hệ mang tính xây dựng, mang lại kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể và đối đầu cứng rắn nếu cần".
"Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với chiến lược minh bạch mà chúng ta cam kết, đặt ra câu hỏi về những mục tiêu rộng lớn hơn của Bắc Kinh", Mattis nói.
Trung Quốc thời gian qua liên tục tăng cường hành động quân sự hóa trái phép ở Biển Đông như triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không đến đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, cho máy bay ném bom H-6K diễn tập hạ cánh và tái triển khai tên lửa phòng không tầm xa trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng, đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực, cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo thường kỳ chiều 14/6.
Huyền Lê