![]() |
Một người đàn ông theo dõi qua màn hình việc bắt giữ nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Moscow, người bị Nga cho là gián điệp của CIA. Ảnh: AFP |
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác nhận người đàn ông bị bắt tên là Ryan Christopher Foglen, nhân viên ngoại giao của đại sứ quán Mỹ tại Moscow, và cho biết ông này đã được trao trả lại cho đại sứ quán sau khi bị giam giữ. FSB nói đã thẩm vấn ông Foglen trước khi trao trả.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay cơ quan này sẽ triệu Đại sứ Mỹ Michael McFaul tới để giải thích sự việc, đồng thời kịch liệt lên án Washington về "hành động khiêu khích theo kiểu từ thời Chiến tranh Lạnh".
Phía Nga tuyên bố Fogle là nhân vật không được hoan nghênh và sẽ trở về Mỹ "sớm nhất có thể", trái ngược với cam kết chung về sự hợp tác tình báo sau vụ đánh bom vào cuộc thi chạy marathon ở thành phố Boston, Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell xác nhận rằng một nhân viên của đại sứ quán Mỹ bị bắt giữ nhưng từ chối bình luận về cáo buộc người này là điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
"Chúng tôi có thể xác nhận nhân viên của đại sứ quán ở Moscow bị bắt một thời gian ngắn và sau đó đã được thả", ông Ventrell phát biểu trước các phóng viên.
"Chúng tôi đã biết về thông báo của Bộ Ngoại giao Nga và chúng tôi không có bình luận nào vào thời điểm này", ông nói và cho biết thêm rằng có thể sẽ có thêm chi tiết sau cuộc gặp của đại sứ Mỹ, đồng thời từ chối nói về việc liệu Mỹ có thực hiện những hành động trả đũa hay không.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trong những vụ việc như thế này "khi có yêu cầu cho nhân viên nghỉ việc, chúng tôi sẽ thực hiện".
Các bức ảnh đăng trên kênh truyền hình Russia Today cho thấy một người đội mũ lưỡi chai úp mặt xuống nền đường, tay bị bẻ quặt ra sau lưng khi bị khống chế để bắt giữ. Sau đó, người đàn ông được thẩm vấn ở FSB, trong khi các giấy tờ và hộ chiếu cùng một chồng tiền giấy 500 euro được công bố.
Hình ảnh của FSB cũng cho thấy các thiết bị được cho là của nhân viên tình báo gồm hai bộ tóc giả, một la bàn và một tập bản đồ chi tiết của Moscow và nhiều điện thoại đời cũ.
FSB cảnh báo rằng "trong thời gian gần đây, mạng lưới tình báo của Mỹ đã liên tục thuê các nhân viên thực thi pháp luật của Nga và đặc vụ Nga".
Ông Fogle bị cáo buộc cung cấp số tiền 100.000 USD cho một nhân viên an ninh Nga làm việc ở bộ phận chống nổi dậy ở Bắc Kavkaz.
"Chúng tôi lúc đầu không tin, bởi vì FSB đã tích cực giúp đỡ điều tra về vụ đánh bom ở Boston", quan chức thẩm vấn nói trong khi Fogle và ba người đàn ông khác ngồi nghe và khoanh tay trước ngực.
Những hình ảnh khác được FSB phát đi cũng cho thấy một văn bản có tiêu đề là "hướng dẫn dành cho công dân Nga được tuyển dụng". Các phần của văn bản này được cho là của Fogle, viết rằng: "Bạn thân mến, đây là hướng dẫn từ một người rất ấn tượng với tính chuyên nghiệp của bạn và bạn sẽ có một tương lai rộng mở khi hợp tác với chúng tôi".
Cùng với số tiền 100.000 USD, "chúng tôi sẽ trả cho bạn 1 triệu USD mỗi năm trong cuộc hợp tác lâu dài, với lời cam kết sẽ tăng mức thưởng với những thông tin có giá trị".
Các nhà phân tích cho biết vụ việc được giới truyền thông chú ý đến như vậy có nghĩa rằng các lãnh đạo Nga đã quyết định thể hiện quan điểm chính trị đối với Washington. Một số trường hợp được xử lý nhẹ nhàng và có khi việc trục xuất, sa thải nhân viên của nhau chỉ được công bố khi đã kết thúc.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm mối quan hệ Nga-Mỹ đang trở nên căng thẳng vì Syria và một số vấn đề khác. Tranh cãi gần nhất về gián điệp giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh là vào năm 2010, liên quan đến điệp viên xinh đẹp Anna Chapman và 10 điệp viên Nga khác. Tất cả bị bắt tại Mỹ và trục xuất về Nga.
Alexander Golts, một chuyên gia phân tích độc lập, thì nói rằng hàng triệu USD được cho là sẽ trả cho nhân viên an ninh của Nga dường như là quá nhiều đối với một nhân viên bình thường.
"Có một số nghi vấn ở đây. Với số tiền đó, họ có hy vọng thuê được ít nhất là cấp phó của lực lượng tình báo Nga", ông Golts nói.
Vũ Hà