Nhật Bản ngày 17/11 đưa ra dự thảo nghị quyết cho phép kéo dài Cơ chế Điều tra Chung (JIM) thêm 30 ngày, để các cuộc thương lượng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có nhiều hứa hẹn hơn. Tuy nhiên, Nga đã dùng quyền phủ quyết sau khi dự thảo được 12 thành viên hội đồng ủng hộ, Trung Quốc bỏ phiếu trống còn Bolivia phản đối, AFP đưa tin.
JIM, điều tra cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học, được Hội đồng Bảo an thành lập năm 2015, gia hạn một năm vào năm 2016, và sẽ hết hạn vào cuối ngày 17/11. Đây là lần thứ 11 Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn Liên Hợp Quốc có hành động nhằm vào đồng minh Syria.
"Nga không có hứng thú cứu JIM như các thành viên còn lại của hội đồng", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu sau khi có kết quả bỏ phiếu. "Nga sẽ không chấp thuận mọi cơ chế có thể tìm ra thông tin về việc chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học".
Đề xuất của Nhật Bản được đưa ra sau khi Nga ngày 16/11 phủ quyết nghị quyết do Mỹ soạn thảo, cho phép JIM tiếp tục thêm một năm. Nga cũng trình dự tháo riêng nhưng chỉ nhận được 4 phiếu ủng hộ, thiếu 5 phiếu để được thông qua.
Nga chỉ trích mạnh mẽ JIM sau khi báo cáo cuối cùng cho rằng không quân Syria đã tấn công khí độc vào thị trấn Khan Sheikhoun làm hàng chục người chết hồi tháng 4. Syria bác bỏ cáo buộc. Vụ tấn công khiến cộng đồng thế giới giận dữ, Mỹ phóng hàng loạt tên lửa vào một căn cứ không quân Syria để đáp trả.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc đội ngũ lãnh đạo JIM "tự làm mất mặt họ bằng cuộc điều tra hư cấu" về vụ tấn công ở Khan Sheikhoun. Ông nói JIM "đang dựa trên những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Syria".
Ngay sau phiên bỏ phiếu, Hội đồng Bảo an đã họp kín theo đề nghị từ đại sứ Thụy Điển để "chắc chắn đã thử mọi cách, mọi nỗ lực". Đại sứ Italy tại Liên Hợp Quốc Sebastiano Cardi, chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 11, cho biết hội đồng "tiếp tục làm việc trong thời gian tới để tìm ra quan điểm chung".
Như Tâm