Hàng chục nghìn người Triều Tiên hôm qua diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành để ủng hộ tuyên bố sẵn sàng khai hỏa tên lửa để tấn công căn cứ Mỹ của lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP |
"Chúng tôi vừa biết tin về một tuyên bố mới, không có tính xây dựng từ Triều Tiên", Caitlin Hayden, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm nay cho biết. "Chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc những đe dọa này và vẫn liên hệ thường xuyên với đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi", AFP dẫn lời bà nói thêm.
Theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, nước này hôm nay chính thức bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc, và cảnh báo bất kỳ hành động khiêu khích nào sẽ làm leo thang căng thẳng và dẫn đến cuộc xung đột bằng hạt nhân.
Trong khi bày tỏ sự quan ngại trước tuyên bố của Bình Nhưỡng, Washington cũng không quên đặt lời đe dọa này trong bối cảnh một chuỗi những phát ngôn của Triều Tiên trước đó.
"Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Triều Tiên từ rất lâu đã có những phát ngôn và lời đe dọa hiếu chiến, và tuyên bố hôm nay cũng theo một kiểu mẫu tương tự", Hayden nói và cho hay Mỹ có đầy đủ năng lực bảo vệ bản thân và các nước đồng minh châu Á.
"Chúng tôi tiếp tục có thêm những biện pháp chống lại mối đe dọa của Triều Tiên, bao gồm kế hoạch tăng về số lượng tên lửa đánh chặn mặt đất của Mỹ và hệ thống radar dò tìm, cảnh báo sớm", bà cho biết.
Trước bối cảnh căng thẳng lên cao giữa Triều Tiên và Mỹ cùng các đồng minh châu Á, Nga kêu gọi các bên có tinh thần trách nhiệm và kiềm chế một cách tối đa. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên bày tỏ tinh thần trách nhiệm và sự kiềm chế một cách tối đa, và mong không ai đi quá giới hạn, bởi khi đó sẽ không có đường quay trở lại", Interfax dẫn lời Grigory Logvinov, người phụ trách vấn đề Triều Tiên trong Bộ Ngoại giao Nga hôm nay nói.
"Đương nhiên là chúng tôi không thể thờ ơ khi căng thẳng leo thang tại vùng biên giới phía đông của chúng tôi", nhà ngoại giao Nga cho biết và nói thêm rằng Moscow không thể không lo lắng.
Pháp hôm nay cũng cho hay nước này lo ngại về tình hình bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc.
Tư liệu: Lịch sử chiến tranh Triều Tiên |
Video: Các bên ký thỏa thuận đình chiến 1953 |
Ảnh: 'Cuộc chiến bị lãng quên' |
Ảnh: Quân đội ở đất nước bí ẩn nhất thế giới |
"Pháp hết sức quan ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên", RFI dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot tuyên bố. Triều Tiên phải "kiềm chế hành động gây hấn thêm, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong khuôn khổ của những nghị quyết Liên Hợp Quốc liên quan, và nhanh chóng trở về con đường đối thoại".
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Bob Carr hôm nay chỉ trích lời đe dọa của Triều Tiên về "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Carr phát biểu trong một tuyên bố rằng thông tin từ đại sứ quán Australia ở Seoul cho thấy không có bằng chứng ngay tức thì về sự gia tăng hoạt động chuẩn bị về mặt quân sự của Triều Tiên. "Mặc dù vậy, Triều Tiên tiếp tục là một mối đe dọa thực sự đối với sự an toàn của hàng triệu người trong khu vực của chúng ta", AAP dẫn lời ông cho biết.
Carr hoan nghênh những lời kêu gọi kiềm chế của Trung Quốc và Nga, cũng như cam kết của Mỹ trong việc phòng thủ cho Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cho biết Australia đang cân nhắc một lệnh trừng phạt riêng đối với Triều Tiên.
Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi Bình Nhưỡng có những lời đe dọa gần như hàng ngày về một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần hai, nhằm phản đối cuộc tập trận chung đang diễn ra của Mỹ và Hàn Quốc, và lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc đối với vụ thử hạt nhân của nước này.
Trọng Giáp