"Tôi ở đây để nói rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan thông qua những biện pháp phi hòa bình đều là mối đe dọa cho hòa bình, an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và đó là mối lo ngại nghiêm trọng đối với Mỹ", Brent Christensen, tân giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), hôm nay phát biểu trong buổi họp báo ra mắt tại Đài Bắc, theo SCMP. "Chúng tôi phản đối những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng".
Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1979 nhưng vẫn là đồng minh chủ chốt đồng thời là nhà cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất của Đài Bắc. Washington sau đó mở AIT để duy trì quan hệ giữa hai bên.
Christensen khẳng định ông sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Washington và Đài Bắc và "cải thiện khả năng tự vệ của Đài Loan". "Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Đài Loan duy trì năng lực tự vệ đầy đủ chống lại tình trạng cưỡng ép", Christensen nói, nhấn mạnh chính sách này được cả đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ.
Christensen cho hay một trong bốn ưu tiên của ông trong vai trò giám đốc của viện là để thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan vào cộng đồng quốc tế. "Khi chúng ta đối mặt với vô số thách thức toàn cầu, chúng ta không thể loại trừ một xã hội Đài Loan đã có quá nhiều cống hiến cho thế giới".
Theo nhà ngoại giao này, Mỹ từ lâu đã ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế. "Chúng tôi tiếp tục các cuộc tham vấn và tiếp xúc không chính thức để cho phép Đài Loan đóng vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế", Christensen nói, nhấn mạnh thêm rằng dự kiến các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ tới thăm Đài Loan theo đạo luật đi lại mới được Tổng thống Donald Trump phê duyệt hồi tháng ba.
Những bình luận của Christensen được cho là sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc từ lâu đã phản đối gay gắt việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan cũng như cho phép quan chức cấp cao tới thăm hòn đảo, hành động mà Bắc Kinh nói rằng đã vi phạm chính sách "Một Trung Quốc" mà Washington cam kết.
Kể từ khi Trump lên nắm quyền vào năm 2016, cả chính quyền của ông và quốc hội Mỹ đều từ bỏ chính sách tránh gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thay vào đó là việc liên tục thách thức Bắc Kinh và tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Đài Bắc. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối tháng 9 công bố việc Washington phê duyệt kế hoạch bán lô khí tài quân sự trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc. Đài Bắc cũng được thông báo và tự công bố thông tin về chuyến tuần tra của hai chiến hạm Mỹ qua eo biển Đài Loan hôm 22/10, vốn được Washington giữ kín trong quá khứ.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất, có thể dùng đến vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh thường xuyên cảnh báo Washington không tăng cường quan hệ quân sự với Đài Bắc, cũng như phản đối mọi hợp đồng quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.
Huyền Lê