Vòng đối thoại thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc được đồng chủ trì bởi phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Xinhua dẫn lời bà Clinton cho hay hai nước đang xây dựng được nhiều hơn sự thấu hiểu và niềm tin ở nhau thông qua đối thoại, trong khi tiếp tục nỗ lực thắt chặt các quan hệ hợp tác song phương trong rất nhiều lĩnh vực.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm rằng vòng Đối thoại Kinh tế và Chiến lược lần này tiếp tục có bước phát triển sâu rộng hơn, đồng thời phản ánh được sự phức tạp và tầm quan trọng của mối hợp tác song phương giữa hai nước, cũng như thu hẹp được nhiều khoảng cách. "Tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã có được nhiều tiến triển tích cực", bà Clinton phát biểu trước báo giới.
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại vòng đối thoại S&ED ở Washington D.C. Ảnh: AFP |
Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng chia sẻ quan điểm trên của ngoại trưởng Mỹ. Ông Vương đồng thời khẳng định vòng đối thoại lần này được diễn ra nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương, và cả hai nước đều làm tất cả để thúc đẩy hợp tác theo tinh thần chuyến thăm thành công của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Mỹ hồi tháng 1/2011.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang cùng nỗ lực để mở rộng những lĩnh vực mà cả hai bên có thể hợp tác, phó Thủ tướng Trung Quốc cũng tuyên bố rằng hai bên đã cùng ký vào một hiệp định khung về việc hợp tác kinh tế toàn diện tại vòng đối thoại lần này.
"Mỹ và Trung Quốc cùng xác nhận rằng, dựa trên những lợi ích chung, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, theo một triển vọng bao quát, lâu dài và có tính chiến lược, để cùng xây dựng một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện và cùng có lợi, đồng thời đạt được sự tăng trưởng cân đối, bền vững và mạnh mẽ trong nền kinh tế thế giới.
Là hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, những kết quả kinh tế và hành động chính sách tại Mỹ và Trung Quốc có tác động quan trọng tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc cùng nhận thức rõ và lưu tâm tới ảnh hưởng của những chính sách tại hai nước đối với kinh tế toàn cầu, và cùng hợp tác để tăng cường thương mại quốc tế cũng như các thể chế tài chính nhằm hỗ trở tăng trưởng và ổn định trên toàn cầu", bản hiệp định khung có đoạn.
Mỹ và Trung Quốc cam kết thúc đẩy tăng trưởng cân đối, bền vững và mạnh mẽ, đồng thời tăng cường sự phối hợp cũng như trao đổi thông tin về các chính sách kinh tế vĩ mô. Hai nước cùng hướng tới việc sử dụng các biện pháp để thúc đẩy nhiều hơn thương mại song phương, giải quyết các tranh chấp đầu tư và thương mại theo phương pháp hợp tác và xây dựng, tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới trong quá trình chuyển hóa và tái cơ cấu nền hai nền kinh tế, phát triển các hợp tác kinh tế dưới cấp nhà nước và thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực tài chính.
Sau những cái bắt tay, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng chưa được gỡ bỏ. Ảnh: Xinhua |
Tuy nhiên, bên cạnh không khí hợp tác được thể hiện bằng một bản hiệp định khung được ký kết, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại những bất đồng chưa được gỡ bỏ.
Mỹ từ lâu thúc giục Trung Quốc thay đổi chính sách đồng nhân dân tệ yếu nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới chưa chấp thuận. Các công ty Mỹ vốn luôn kêu ca nhiều năm nay rằng Trung Quốc tạo lợi thế cho các công ty của nước này trong các cơ hội đầu tư, đồng thời chưa có đủ sự nỗ lực cần thiết trong cuộc chiến bảo vệ sở hữu trí tuệ, ví dụ như trong lĩnh vực bản quyền phần mềm.
Bên cạnh đó, Washington và Bắc Kinh cũng chưa thực sự đồng thuận trong các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay sự trừng phạt đối với Iran, The Wall Street Journal nhận định. BBC thậm chí còn dẫn lại những nhận xét có phần gay gắt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung là cơ chế đối thoại được nâng cấp từ cuộc Đối thoại Chiến lược cũ và Đối thoại Kinh tế Chiến lược hai năm một lần. Các vòng S&ED trước đây được tổ chức bởi lãnh đạo cấp cao của hai nước vào các năm 2009 và 2010.
Phan Lê