"Đây là quyết định không thể xem nhẹ, phản ánh lo ngại của Mỹ với những công việc dang dở chồng chất tại UNESCO, sự cần thiết phải có cải cách căn bản tổ chức này và tâm lý chống Israel kéo dài tại đây. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ giữ liên hệ với tư cách quan sát viên, nhằm đóng góp góc nhìn và kiến thức chuyên môn cho UNESCO", Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/10. Washington cho biết sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ ngày 31/12/2018.
"Sau khi nhận thông báo từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, với tư cách Tổng giám đốc UNESCO, tôi lấy làm tiếc trước quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ", Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova tuyên bố. Bà Bokova khẳng định điều này là mất mát lớn với chủ nghĩa đa phương nói riêng và gia đình Liên Hợp Quốc nói chung.
Mỹ từng cắt nguồn đóng góp lớn, chiếm tới 22% ngân sách UNESCO hồi năm 2011, nhằm phản đối quyết định công nhận tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine. Luật pháp Mỹ từ những năm 1990 quy định chính phủ Mỹ phải rút tiền tài trợ từ bất kỳ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc thừa nhận Palestine là thành viên, trước khi nước này ký kết một hiệp ước hòa bình với Israel.
Tử Quỳnh