Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/12 bỏ phiếu về một nghị quyết do Ai Cập soạn thảo. Dự thảo nghị quyết không nhắc cụ thể đến Mỹ hay Tổng thống Donald Trump, chỉ bày tỏ "sự đáng tiếc sâu sắc về quyết định gần đây liên quan trạng thái thành phố Jerusalem".
Nghị quyết được 14 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ, Mỹ phủ quyết, Reuters đưa tin. Để được thông qua, một nghị quyết cần có 9 phiếu ủng hộ và Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc không phủ quyết.
"Điều chúng tôi vừa chứng kiến tại Hội đồng Bảo an là một sự xúc phạm. Nó sẽ không bị lãng quên", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói sau khi bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên Mỹ bỏ phiếu phủ quyết trong hơn 6 năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về thành phố này. Theo bà Haley, Mỹ "không vui và miễn cưỡng" khi phải phủ quyết. Mỹ có quyền chủ quyền để quyết định đặt đại sứ quán ở đâu.
"Phiếu phủ quyết được đưa ra để bảo vệ quyền chủ quyền của Mỹ, bảo vệ vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Nó không phải là điều xấu hổ đối với chúng tôi. Các thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an nên xấu hổ", bà nói.
Người phát ngôn Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho rằng hành động của Mỹ là "không thể chấp nhận, đe dọa ổn định của cộng đồng thế giới". Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "cảm ơn" bà Haley vì lá phiếu phủ quyết.
Dự thảo nghị quyết "khẳng định mọi quyết định và hành động nhằm thay đổi đặc tính, trạng thái hay thành phần nhân khẩu học của thành phố Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý, vô giá trị, và phải bị thu hồi theo các nghị quyết Hội đồng Bảo an liên quan". Dự thảo kêu gọi các quốc gia không lập phái đoàn ngoại giao ở Jerusalem.
Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
"Sau quyết định của Mỹ, tình hình đã trở nên căng thẳng hơn với số vụ việc, đặc biệt là rocket phóng từ dải Gaza và đụng độ giữa người Palestine với lực lượng an ninh Israel, gia tăng", phái viên Liên Hợp Quốc về hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov nói.
Như Tâm