Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: AP |
Gulf News hôm qua dẫn lời đại tá Arnulfo Marcelo Burgos, phát ngôn viên Các lực lượng vũ trang Philippines, cho hay chính phủ nước này vừa đặt mua một tàu đổ bộ, hai Hệ thống giám sát bờ biển, 105 đơn vị máy thông tin liên lạc công suất 20 watt, 3 hệ thống chiến đấu đêm và một camera trên không, để hải quân thiết lập một hệ thống giám sát. Đồng thời, Philippines cũng sẽ bổ sung các thiết bị khác như radar, bên cạnh kế hoạch dự kiến về trang bị tàu hải quân và máy bay tuần tra tầm xa.
Hệ thống giám sát mới sẽ được dùng để phát hiện các tàu nước ngoài thâm nhập vào lãnh thổ Philippines, được xác định là vùng đặc quyền kinh tế rộng 20 hải lý tính từ bờ biển theo định nghĩa của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Hệ thống cũng có tác dụng ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, nạn săn bắn trộm, buôn bán người, hải tặc và buôn bán ma túy, cũng như giúp chính phủ bảo vệ các nguồn tài nguyên biển.
Trước đó, thiếu tá Catherine Wilkinson của quân đội Mỹ cho biết Washington đang trong giai đoạn đầu của kế hoạch hỗ trợ Philippines thiết lập Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia. Trung tâm này là một phần trong chiến lược tăng cường hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình dương của Mỹ.
Thỏa thuận thành lập trung tâm được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario ký hôm 7/6, nhân chuyến thăm đến Washington của Tổng thống Benigno Aquino.
Sự hỗ trợ của quân đội Mỹ dành cho Philippines đặc biệt diễn ra trong bối cảnh quốc đảo đang có căng thẳng về tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Bãi cạn không có người sinh sống nằm cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ với bãi cạn này, trong khi Philippines cũng khẳng định bãi nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Sau khi các tàu của hai nước "chạm mặt" gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi đầu tháng 4, Trung Quốc và Philippines đã liên tiếp có những động thái cũng như tuyên bố cứng rắn. Trong những ngày gần đây, căng thẳng được xoa dịu khi Manila rút hết tàu khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ rút các tàu khỏi khu vực này.
Anh Ngọc