Assange xuất hiện trên ban công đại sứ quán Ecuador tại Anh yêu cầu Mỹ ngừng săn đuổi hôm 19/8. Ảnh: AFP |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói Mỹ không liên quan gì đến những nỗ lực bắt giữ Assange của Anh để trao cho Thụy Điển, nơi Assange bị buộc tội tấn công tình dục.
"Ông ấy đưa ra những lời phát biểu lung tung về chúng tôi trong khi vấn đề của ông ấy với nước Anh là việc liệu ông ấy có phải thực thi công lý ở Thụy Điển vì tội tấn công tình dục hay không, chứ không liên quan gì đến WikiLeaks", AFP dẫn lời bà Nuland nói.
"Ông ấy đang cố đưa sự chú ý ra xa vấn đề thực sự. Và vấn đề đó không liên quan đến chúng tôi, đó là việc giữa Anh, Thụy Điển và nay thêm cả Ecuador", người phát ngôn Mỹ nói thêm.
Tuy nhiên, như thường lệ, bà Nuland từ chối bình luận về ý định kiện WikiLeaks của Mỹ.
Julian Assange hôm 19/8 lần đầu xuất hiện sau hai tháng trốn trong đại sứ quán Ecuador tại London, yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngừng chiến dịch chống trang web của ông.
"Sự tồn tại của WikiLeaks đang bị đe dọa. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra đối với quyền tự do ngôn luận và sự trong sạch của xã hội chúng ta. Chúng tôi phải tận dụng cơ hội này để nói rõ lựa chọn của chúng tôi trước chính phủ Mỹ", ông Assange khẳng định.
Assange nói những cáo buộc tình dục mang động cơ chính trị và cho rằng cuối cùng ông sẽ bị dẫn độ sang Mỹ. Ông nói việc làm của ông với hai người phụ nữ trong vụ việc không phải là tấn công mà có sự đồng thuận.
Ecuador đã đồng ý cấp quyền tị nạn cho người sáng lập ra WikiLeaks bất chấp sự phản đối của Anh. Anh còn đe dọa đột kích đại sứ quán Ecuador để bắt Assange nhưng theo các công ước quốc tế, ít có khả năng này xảy ra.
Năm 2010, Wikilieaks công bố hàng nghìn tài liệu quân sự mật của Mỹ về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cùng nhiều bí mật ngoại giao, khiến hình ảnh của Mỹ bị tổn hại. Binh sĩ Mỹ Bradley Manning cũng sẽ ra tòa vào cuối năm nay vì bị cáo buộc tội danh cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks.
Vũ Hà