Các chiến hạm trong một cuộc phô diễn lực lượng của hải quân Nhật Bản. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi có kế hoạch dự phòng và chúng tôi thảo luận với các đồng minh", quan chức Mỹ giấu tên nói với AFP, và cho biết việc hai chính phủ tính đến tình huống xấu nhất trong bối cảnh căng thẳng hiện nay là một điều "hết sức bình thường".
Một quan chức khác của Lầu Năm Góc cũng xác nhận về cuộc thảo luận, dự kiến sẽ hoàn tất vào mùa hè, nói rằng "chúng tôi đang lên kế hoạch cho các hoạt động".
Tuy nhiên, cả hai quan chức cho biết chính phủ Mỹ không muốn làm gia tăng căng thẳng và kế hoạch dự phòng chỉ là một trong nhiều chủ đề trong cuộc gặp của các quan chức Mỹ-Nhật tại Hawaii vào cuối tuần này.
Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, dự kiến sẽ chủ trì cuộc gặp với Tướng Shigeru Iwasaki, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, vào ngày 21/3 tới tại Hawaii.
Đại diện của Lầu Năm Góc không xác nhận hay phủ nhận về kế hoạch dự phòng nói trên. "Chính sách của Mỹ trên quần đảo Senkaku là lâu dài. Chúng tôi khuyến khích các bên tranh chấp giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình", Trung tá Hải quân Catherine Wilkinson nói và dùng tên gọi quần đảo theo tên của Nhật Bản.
Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo không người trên biển Hoa Đông. Tokyo gọi tên quần đảo là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điều Ngư.
Tờ Nikkei của Nhật là báo đầu tiên đưa tin về cuộc thảo luận giữa các quan chức của Mỹ và Nhật. Cuộc thảo luận này khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng các hòn đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
"Việc quân đội Trung Quốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước mình là kiên định. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào làm phức tạp và phóng đại tình hình", thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết.
Đây được cho là lần đầu tiên Mỹ-Nhật thảo luận chung về biện pháp đối phó tại khu vực đặc biệt do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế. Trước đó, hai nước đồng minh từng có kế hoạch đối phó với khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hoặc tại eo biển Đài Loan.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên cao từ tháng 9 năm ngoái sau khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa các đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ đó Bắc Kinh liên tục cho các tàu và máy bay tiếp cận hải phận và không phận quần đảo, khiến lực lượng phòng vệ và tuần duyên Nhật phải điều tàu và máy bay ra ngăn chặn. Nhật Bản cáo buộc radar Trung Quốc ngắm bắn vào tàu khu trục của Nhật ở gần quần đảo hồi tháng 1. Tuy nhiên cáo buộc này bị phía Trung Quốc bác bỏ.
Vũ Hà