Một nạn nhân được cho là bị tấn công hóa học hôm 19/3/2013 được chữa trị tại bệnh viện ở Aleppo, Syria. Ảnh: AP. |
"Sau một cuộc xem xét thảo luận, cộng đồng tình báo nhận định chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học, bao gồm chất độc thần kinh sarin trên quy mô nhỏ, nhằm chống phe nổi dậy nhiều lần trong năm ngoái", Ben Rhodes, phó cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Barak Obama hôm 13/6 tuyên bố. Ông cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học vi phạm luật quốc tế và rõ ràng vượt qua "ranh giới đỏ", vốn tồn tại trong cộng đồng quốc tế trong nhiều thập kỷ qua.
Ben Rhodes cũng cho hay chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch thúc đẩy viện trợ quân sự cho quân nổi dậy Syria nhằm phản hồi nhận định của tình báo về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Trong khi Anh bày tỏ sự chia sẻ với nhận định của Mỹ thì phía Nga hôm qua phản đối bằng những tuyên bố quyết liệt. "Thông tin về việc chính quyền Tổng thống al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là bịa đặt, tương tự như sự dối trá về vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông Saddam Hussein ở Iraq", RIA Novosti dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov viết trên trang mạng xã hội Twitter.
Ông Pushkov cảnh báo Tổng thống Barack Obama đang "đi đúng con đường" của Tổng thống George W.Bush trước đây.
Cố vấn các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Yuri Ushakov, cũng cho rằng thông tin giới chứng Mỹ cung cấp cho Nga "trông không thuyết phục". "Thậm chí còn khó để gọi đó là thực tế", ông nói.
Aljazeera dẫn lời Bộ Ngoại giao Syria hôm qua phát đi thông cáo, cho rằng Nhà Trắng đã "đưa ra tuyên bố đầy dối trá về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, dựa trên thông tin ngụy tạo". Cơ quan này cho hay Mỹ đang sử dụng chiến thuật "rẻ tiền" nhằm biện hộ cho quyết định vũ trang cho phe đối lập Syria, và cáo buộc Washington áp đặt tiêu chuẩn kép khi chống khủng bố bằng cách hỗ trợ vũ khí, tài chính cho các nhóm "khủng bố" như Jabhat al-Nusra ở Syria.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hoan nghênh tuyên bố "rõ ràng" của Mỹ và cho biết Damascus phải để Liên Hợp Quốc điều tra về cáo buộc. Nói về vai trò của tổ chức, ông Rasmussen cho hay NATO sẽ bảo vệ thành viên Thổ Nhĩ Kỳ bằng các tên lửa phòng không Patriot ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì cho rằng "không thể đảm bảo tính xác thực của bất cứ thông tin nào về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nếu thiếu bằng chứng thuyết phục" và việc tăng cường vũ trang cho bên nào cũng đều không đem lại lợi ích.
Mỹ đưa ra quyết định chỉ một ngày sau khi Liên Hợp Quốc thông báo số người chết trong cuộc nội chiến ở Syria là vào khoảng 93.000 người, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Trọng Giáp