Đại tướng Kim Jong-un thăm bếp và kiểm tra lương thực của một đơn vị quân đội dịp đầu năm 2012. Ảnh: AFP |
Telegraph cho hay thông tin trên do một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cung cấp cho hãng thông tấn chính thức của nước này. Đây cũng là phát ngôn đầu tiên của chính quyền Triều Tiên về vấn đề hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này nếu Mỹ thực sự muốn xây dựng lòng tin", người phát ngôn cho hay.
Washington khẳng định bất cứ quyết định nào về viện trợ lương thực cũng đều không liên quan đến những vấn đề khác. Trong khi đó, người phát ngôn Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang chính trị hóa vấn đề này.
Trước cái chết đột ngột của Chủ tịch Kim Jong-il hôm 17/12/2011, một số phương tiện truyền thông Bình Nhưỡng cũng đưa tin rằng thỏa thuận trao đổi "hạt nhân lấy lương thực" giữa Mỹ và Triều Tiên sắp diễn ra. Trong các cuộc hội đàm hồi tháng 7 năm ngoái, Washington từng "đề xuất những bước xây dựng niềm tin đôi bên như đình chỉ lệnh trừng phạt, nối lại viện trợ, đổi lại Triều Tiên phải "tạm thời ngừng" làm giàu uranium.
Các chuyên gia cho hay nhà máy làm giàu uranium được Triều Tiên tiết lộ hồi tháng 11/2010 có thể đưa quốc gia này tiến một bước tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Thông tin này đã thúc đẩy các bên liên quan nhanh chóng nối lại đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân vốn bị trì hoãn từ tháng 12/2008.
Mỹ và Triều Tiên năm ngoái đã tổ chức hai vòng đàm phán song phương nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đối thoại. Vòng thứ ba được dự kiến tổ chức ở Bắc Kinh trước khi thông tin về cái chết của Chủ tịch Kim được công bố, đã bị trì hoãn.
Ông Robert King, đại sứ đặc biệt của Mỹ về nhân quyền Triều Tiên, đã tiếp tục có cuộc gặp với quan chức ngoại giao cấp cao của Bình Nhưỡng ở Bắc Kinh trong hai ngày 15-16/12 năm ngoái để thảo luận về khả năng nối lại viện trợ. Báo chí Hàn Quốc lúc đó đưa tin rằng nước láng giềng đã nhất trí dừng chương trình uranium để đổi lấy 240.000 tấn lương thực từ Mỹ.
Mỹ đã cam kết cung cấp 500.000 tấn gạo cho Triều Tiên năm 2008. Tuy nhiên, việc vận chuyển bị ngưng trệ một năm sau đó do những nghi ngờ về độ minh bạch trong việc phân phối hàng cứu trợ. Bình Nhưỡng sau đó đã yêu cầu người Mỹ rời khỏi nước mình.
Tuy nhiên hôm qua, phát ngôn viên Triều Tiên cho hay Mỹ đã không cung cấp 330.000 tấn trong tổng lượng gạo đã cam kết cách đây 3 năm. Trong những cuộc hội đàm gần đây, Mỹ đã kiên quyết thay đổi số lượng và các mặt hàng viện trợ, trái với những cam kết ban đầu. Điều này đã làm Triều Tiên nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ trong việc xây dựng lòng tin đôi bên. Mỹ đang hỗ trợ bánh quy nhiều năng lượng và các thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng trong gói hàng mới nhất thay cho gạo.
Các tổ chức của Liên Hợp Quốc đến Triều Tiên hồi tháng 2/2011 cho biết 6 triệu người Triều Tiên, tương đương một phần tư dân số nước này, cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Cũng hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã lên kế hoạch tổ chức hội đàm cấp cao trong tháng này với Nhật Bản và Hàn Quốc về các vấn đề khu vực, bao gồm tình hình ở Triều Tiên sau sự ra đi của cố chủ tịch Kim. Ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ chủ trì hội đàm với những người đồng cấp của hai nước trên. Thời gian hội đàm chưa được công bố.
Anh Ngọc