Bất chấp khó khăn do cắt giảm ngân sách quốc phòng, Mỹ khẳng định chiến lược củng cố sự hiện diện quân sự ở châu Á Thái bình dương. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã quyết định sẽ điều động binh sĩ đến đóng ở bắc Australia cũng như điều tàu hải quân đến Singapore.
Những động thái này làm dấy lên phỏng đoán rằng Washington có thể đang tìm cách lập lại căn cứ quân sự lâu dài, điều họ từng thực hiện tại Philippines. Căn cứ hải quân lớn của Mỹ tại quốc đảo này mới được dời đi đầu những năm 1990.
Hai cha con người Philippines đứng xem một tàu chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Philippines mang tên CARAT tháng 10/2010. Ảnh: US Navy. |
Hai ngày qua, các quan chức cấp cao của Mỹ và Philippines đã thảo luận chiến lược thường niên tại Mỹ và cả hai bên đều cho biết họ tập trung vào việc tăng cường hợp tác quân sự bằng nhiều phương cách, chẳng hạn sẽ bổ sung các sự kiện tập trận chung, theo AP.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho hay Mỹ quan tâm đến việc đẩy mạnh huấn luyện và hợp tác trong các lĩnh vực như tìm kiếm cứu hộ, tự do hàng hải, chống khủng bố và chống cướp biển.
"Ý kiến cho rằng chúng tôi có ý định lập căn cứ quân sự Mỹ, hoặc đưa quân đến đóng dài hạn ở Philippines hay bất kỳ nơi nào ở Đông Nam Á, nhằm thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc, là hoàn toàn sai lầm", Leslie Hull-Ryde, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Phủ tổng thống Philippines cũng ra thông báo bác bỏ một bản tin địa phương gợi ý rằng Mỹ có thể tái lập căn cứ quân sự trên đất Philippines. Báo này dẫn lại nguồn tin không nêu tên trên tờ Washington Post cho hay các quan chức hai bên đang thương thảo khả năng "để các tàu chiến Mỹ triển khai hoạt động từ Philippines, điều binh sĩ đến Philippines trên cơ sở thay phiên, và tăng cường hợp tác hợp tác tập trận chung".
Kể từ năm ngoái, sau một số sự kiện va chạm với lực lượng của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines đã gia tăng hợp tác quân sự với Mỹ, quốc gia có hiệp định phòng thủ chung với Philippines. Biển Đông là nơi có các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau giữa nhiều nước, trong đó có Philippines và Trung Quốc. Các nước khác bao gồm Việt Nam, Malaysia và Brunei. Đây là nơi có các tuyến vận tải quan trọng hàng đầu thế giới, có nguồn tài nguyên dồi dào.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay các hoạt động quân sự chung giữa nước này với Mỹ sẽ tuân thủ hiệp định năm 1999, theo đó các tàu chiến và máy bay của Mỹ được phép ghé cảng để tiếp liệu và hậu cần, cũng như thực hiện các hoạt động tập trận chung giữa hai nước.
Clark và Subic, các căn cứ quân sự thuộc loại lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài lúc bấy giờ, bị đóng cửa năm 1991 theo một nghị quyết của cơ quan lập pháp Philippines. Tuy nhiên quân đội Mỹ đã trở lại quốc đảo này năm 2002 để huấn luyện và vũ trang cho các binh sĩ sở tại trong các chiến dịch chống khủng bố ở miền nam Philippines.
Năm ngoái, Philippines đã sắm soái hạm của hải quân nước này từ Mỹ. Trong các cuộc thương thảo tuần này, Manila đưa ra yêu cầu mua thêm tàu để tuần tra bờ biển, một phi đội máy bay chiến đấu F-16 và các khí tài cần thiết để tăng cường phòng thủ duyên hải và lãnh thổ.
Mai Trang