![]() |
Xe tăng K-1 của Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung với Mỹ ở căn cứ huấn luyện Seungjin, cách biên giới với Triều Tiên 30 km về phía nam hôm 30/9/2011. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi tin rằng Triều Tiên vẫn có thể thực hiện những hành động khiêu khích trong thời gian Kim Jong-un lên kế nhiệm vị trí lãnh đạo", Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lim Kwan-Bin nói. Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ sẽ ký kết một kế hoạch chống lại các hành động khiêu chiến từ Triều Tiên trong tháng này, như đã nhất trí hồi tháng 10/2011.
"Sau khi hoàn thành kế hoạch dự phòng chung, chúng tôi sẽ tổ chức tập trận thường xuyên hơn để thiết lập một thế trận quốc phòng mạnh", AFP dẫn lời ông Lim.
Quân đội Hàn Quốc sẽ luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng đánh trả bất kỳ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên, nhất là ở biên giới trên biển Hoàng Hải, và tiêu diệt hoàn toàn những mầm mống khiêu chiến từ kẻ thù.
Bán đảo liên Triều vẫn tiếp tục căng thẳng sau khi cuộc chiến tranh 1950-1953 kết thúc chỉ với một lệnh ngừng bắn. Mỹ cũng triển khai quân đội đến Hàn Quốc từ sau đó và hiện đang có 28.500 binh sĩ tại đây.
Căng thẳng biên giới leo thang khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên phóng ngư lôi làm chìm tàu chiến và thiệt mạng 46 thủy thủ, hồi tháng 3/2010. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc trên nhưng 8 tháng sau lại nã pháo sang đảo tiền tiêu của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải và làm 4 người thiệt mạng. Kể từ đó, Hàn Quốc đã không ngừng tăng cường binh sĩ và vũ khí trên các đảo tiền tiêu. Mỹ và Hàn Quốc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung để nâng cao năng lực quân sự và cảnh giác trước các động thái từ Bình Nhưỡng.
Niềm hy vọng xoa dịu quan hệ song phương vẫn khó trở thành hiện thực ngay cả khi chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời và đại tướng trẻ Kim Jong-un lên kế nhiệm. Chính quyền mới Tiền Tiên đã thề sẽ trả đũa Seoul vì không cho phép người dân sang Bình Nhưỡng viếng Chủ tịch Kim và tuyên bố không bao giờ hợp tác với chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho rằng tuyên bố trên đã làm lu mờ khả năng nối lại vòng đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân. "Việc trở lại bàn đàm phán bây giờ không mấy thuận lợi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói.
Đàm phán sáu bên được tổ chức lần gần đây nhất vào năm 2008 ở Trung Quốc. Triều Tiên đã tẩy chay các cuộc hội đàm này năm 2009 và tiến hành một vụ thử hạt nhân, dẫn tới các lệnh cấm vận gay gắt từ quốc tế. Hy vọng nối lại đàm phán được nhen nhóm từ những cuộc trao đổi giữa các bên trong năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Mỹ vẫn kiên quyết lập trường rằng Bình Nhưỡng phải cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và dừng chương trình nghiên cứu hạt nhân trước khi nối lại đàm phán. Trong khi Triều Tiên chỉ chấp nhận hội đàm lại một cách vô điều kiện.
Anh Ngọc