![]() |
Một chiếc xe bốc cháy tại lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi hôm 11/9. Ảnh: AFP |
AFP dẫn thông báo của ông Mohammed al-Megaryef, chủ tịch Quốc hội Libya, cho hay những nghi phạm gồm một số kẻ cực đoan đến từ Mali và Algeria. Chúng được sự trợ giúp của một vài người địa phương. "Nó (vụ tấn công) chắc chắn đã được lên kế hoạch bởi những người ngoại quốc, bởi những kẻ vào Libya từ vài tháng trước", ông al Megaryef nói.
Đại sứ Mỹ tại Libya, ông Christopher Stevens được cho là tử vong vì ngạt khói sau khi bị kẹt trong tòa lãnh sự bốc cháy ở thành phố Benghazi. Tòa nhà này đã phải chịu một trận mưa đạn súng phóng lựu, súng cối và các loại vũ khí nhỏ khác trong vài giờ.
Kể từ sau vụ tấn công nói trên, Mỹ đã triển khai các đơn vị lính thủy đánh bộ chống khủng bố tới Libya để bảo vệ đại sứ quán tại thủ đô Tripoli, đồng thời đưa hai khu trục hạm tới gần bờ biển nước này. Mỹ cũng cử một đơn vị lính thủy đánh bộ tới bảo vệ đại sứ quán ở thủ đô Sanaa của Yemen, trong khi sơ tán toàn bộ các nhân viên không chủ chốt cùng thành viên gia đình họ khỏi Sudan và Tunisia. Cảnh báo công dân Mỹ về việc tới hai nước này cũng đã được đưa ra.
Bất chấp những nỗ lực xoa dịu tình hình của Mỹ, các cuộc biểu tình chống nước này vẫn diễn ra và ngày một lan rộng, với mục tiêu là các biểu tượng cho sự hiện diện của Mỹ như các đại sứ quán, các trường học, những cửa hàng đồ ăn nhanh. Làn sóng phản đối thậm chí lan tới châu Âu. Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 230 người ở thành phố miền bắc Antwerp sau một cuộc đụng độ với những người biểu tình.
17 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tới việc phản đối bộ phim có nội dung chống đạo Hồi, gồm 4 nhà ngoại giao Mỹ ở Libya, 11 người biểu tình tại các nước Ai Cập, Lebanon, Sudan, Tunisia, Yemen và hai lính Mỹ tại Afghanistan.
Hà Giang