Thủ tướng Italy Romano Prodi (trái) đang giới thiệu quang cảnh thành phố Rome cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến thăm chính thức Italy ngày 26/5/1997. Ảnh: AP. |
Dưới sự lãnh đạo của ông, "Việt Nam đã thực hiện những sáng kiến quan trọng ... đáng chú ý là việc gia nhập ASEAN năm 1995 và tham gia thành lập diễn đàn Á- Âu (ASEM)", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trong lời chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về việc ông Kiệt qua đời.
Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong bình luận rằng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo quốc gia đã thể hiện tầm nhìn và quyết tâm khi mở cửa thành công đưa Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới. Cố vấn thủ tướng Lý Quang Diệu đánh giá nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã định hướng tầm nhìn cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng của thập niên 90. "Ông Kiệt sẽ được mọi người tưởng nhớ", nhà lãnh đạo hàng đầu của Singapore nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo đã gửi lời chia buồn tới chính phủ và nhân dân Việt Nam trước việc nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, trong đó có đoạn: "Sự lãnh đạo của ông Kiệt với vai trò là thủ tướng từ năm 1991 đến 1997 mang lại kết quả là công cuộc cải cách giúp cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người Việt Nam. Những nỗ lực của ông đã góp phần mở đường bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vào năm 1995".
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi hay tin nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt qua đời. Ông Ban đã gửi lời chia buồn tới gia quyến nhà lãnh đạo cũng như nhân dân và chính phủ Việt Nam.
"Là một động lực quan trọng thúc đẩy cải cách kinh tế ở Việt Nam những năm 80, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường để đất nước chuyển đổi từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục", tuyên bố do phát ngôn viên của Tổng thư ký đưa ra có đoạn.
"Trong thời kỳ làm thủ tướng từ năm 1991 đến 1997, ông cũng đóng một vai trò quan trọng cải thiện quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước".
(DPA, state.gov, UN news center)