Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau tại Singapore. Video: White House.
"Tôi hoan nghênh động lực giúp đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Tôi cũng kêu gọi hai lãnh đạo tận dụng cơ hội này để đạt được tiến bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng. Hội nghị này có thể có tác động tích cực", TASS dẫn lời Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc kiêm Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak hôm nay tuyên bố.
Bắc Kinh ca ngợi cuộc gặp Trump - Kim, gọi đây là "sự kiện lịch sử". Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc hai lãnh đạo "có thể cùng ngồi xuống và đối thoại bình đẳng có ý nghĩa quan trọng và tích cực, tạo ra một trang mới trong lịch sử". Ngoại trưởng Vương Nghị đồng thời kêu gọi "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" để giải quyết mọi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Nhiều lãnh đạo châu Á cũng lên tiếng ủng hộ các nỗ lực ngoại giao vì hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố sẽ mở cửa lại đại sứ quán tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đây được coi là động thái làm ấm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, kể từ sau nghi án anh trai lãnh đạo Triều Tiên bị ám sát tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào tháng 2/2017.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không che giấu cảm xúc lo lắng và hồi hộp. "Tôi đã mất ngủ đêm qua. Tôi thực sự hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ thành công, mở ra thời đại mới cho hai miền Triều Tiên và Mỹ, đưa chúng ta tới hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn", Tổng thống Hàn Quốc cho biết. Ông được coi là nhân tố quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao đột phá giúp mở ra hy vọng về hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
"Qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ý định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên của lãnh đạo Kim Jong-un đã được xác nhận bằng văn bản. Tôi ủng hộ hành động này, coi đó là bước đầu để tiến tới các giải pháp toàn diện cho vấn đề Triều Tiên", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu.
Chính phủ Anh hoan nghênh động thái cam kết phi hạt nhân hóa của lãnh đạo Triều Tiên. "Vẫn còn nhiều điều cần phải làm, chúng tôi hy vọng Kim Jong-un sẽ tiếp tục đàm phán có thiện chí, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu.
Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng ca ngợi tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn của Tổng thống Trump, khẳng định đó là điều cần thiết để chấm dứt những hành động khiêu khích và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc vào đầu giờ chiều hôm nay với một thỏa thuận được ký kết bao gồm 4 điểm chính: thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước "vì hòa bình và thịnh vượng của người dân", nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Panmunjom giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 27/4 và thúc đẩy công tác tìm kiếm hài cốt các tù binh chiến tranh.
"Chúng tôi đã có một cuộc gặp lịch sử, bỏ qua quá khứ và hướng tới một khởi đầu mới", lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cho biết tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ "khởi động rất nhanh".
An Hồng