Hãng thông tấn Reuters vừa dẫn nguồn tin Triều Tiên cho hay ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã lập một ủy ban cải cách, nhằm nắm lấy quyền kiểm soát nền kinh tế vốn ở trong tay quân đội. Lực lượng 1,2 triệu quân nhân đầy quyền lực ở đất nước bí ẩn này từ lâu đã có nhiều quyền hành hơn so với chính phủ trong lĩnh vực kinh tế. "Nhưng điều đó sẽ thay đổi", nguồn tin trên nói.
Tin này được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên chính thức tuyên bố bãi miễn mọi chức vụ của tổng tham mưu trưởng và phó nguyên soái quân đội Ri Yong-ho, "vì lý do sức khỏe". Giới phân tích nhận định động thái này là rất bất thường bởi ông Ri, 69 tuổi, mới được thấy còn rất tráng kiện, và nhiều tướng lĩnh Triều Tiên vẫn được tại vị dù ở tuổi tám mươi. Giới truyền thông Hàn Quốc đang tìm hiểu tin cho rằng ông Ri thậm chí đã bị thương hoặc tử vong trong một trận đấu súng, nổ ra khi ông chống lệnh bắt với cáo buộc tham nhũng.
Ri Yong-ho là một người ủng hộ nhiệt thành chính sách "tiên quân" - ưu tiên quân sự trước hết - mà cố chủ tịch Kim Jong-il theo đuổi. Nguồn tin trên cho hay ông Ri không ủng hộ kế hoạch cải cách của Kim Jong-un, lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, người mới ở tuổi chưa đến 30 và từng học tập nhiều năm ở Thụy Sĩ.
Kim Jong-un. Ảnh: AFP |
Trong quá khứ, Triều Tiên từng có những thử nghiệm cải cách kinh tế. Chẳng hạn, năm 2009, nước này quyết định đột ngột định giá lại bản tệ, gây nên sự phản ứng rộng và mạnh mẽ hiếm có trong dân chúng. Hệ quả là những người đứng đầu việc thực hiện kế hoạch đã mất chức.
Triều Tiên đã mở khu công nghiệp Kaesong ở biên giới với Hàn Quốc như một mô hình thử nghiệm kinh tế mới. Kaesong đã tạo nhiều công ăn việc làm cũng như ngoại tệ cho Bình Nhưỡng, nhưng hoạt động của khu công nghiệp này cũng thường bị ảnh hưởng bởi những nóng lạnh trong mối quan hệ liên Triều.
Một mô hình mở cửa kinh tế khác của Tiều Tiên được thực hiện ở một thành phố biên giới với Trung Quốc ở phía đông bắc, khu kinh tế thương mại tự do Rason.
Hơn bất cứ nước nào trên thế giới, Triều Tiên áp dụng chính sách điều hành kinh tế bằng những mệnh lệnh từ cấp cao, ít chịu ảnh hưởng của thị trường. Những sai lầm về chính sách cũng như yếu kém trong đánh giá đã khiến Triều Tiên lâm vào nạn đói tràn lan những năm 1990, theo NYT. Ngoài ra vụ việc đổi tiền năm 2009 nêu trên đã xóa sạch các khoản tiết kiệm trong dân. Hiện Triều Tiên là một trong những nước có bình quân thu nhập đầu người (GDP) thấp nhất trên thế giới.
Thời gian gần đây, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đang cho thế giới thấy sự thay đổi đáng chú ý ở nước này. Chính phủ đã bãi bỏ lệnh cấm đi giày cao gót hoặc đeo hoa tai ở nơi công cộng đối với phụ nữ, cho phép các cửa hàng ăn bán đồ đặc trưng của phương tây như bánh pizza. Điều đặc biệt khác thường so với thời Kim Jong-il là sự xuất hiện của một phụ nữ trẻ bên cạnh Kim Jong-un trong các sự kiện được truyền hình nhà nước Triều Tiên hoan hỉ đưa tin.
Người này, được cho là một cựu ca sĩ, làm dấy lên các dự đoán về thân phận của cô, chủ yếu đoán rằng cô là vợ của Kim. Nếu quả là như vậy, đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, người dân Triều Tiên và thế giới mới được thấy mặt của vợ nhà lãnh đạo nước này.
Cô gái bí ẩn 'tỏa nắng' ở Triều Tiên
Các nhà phân tích đang theo dõi từng diễn biến ở Triều Tiên, để dự đoán xem nước này có thay đổi hay vẫn đi theo con đường chú trọng phát triển quân sự và đóng cửa trước thế giới.
Thanh Mai