
Một phòng họp ở Khu vực An ninh Chung do Liên Hợp Quốc kiểm soát giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
"Cách lãnh đạo Triều Tiên tiến vào Hàn Quốc, dù đi bộ hay ngồi trên xe, đều cho thấy mức độ tin tưởng giữa hai quốc gia", SCMP hôm nay dẫn lời Jacquelene Elise Van Pool, phát ngôn viên lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo các quan chức Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ bước qua đường biên giới như một hành động mang tính biểu tượng cho sự hòa hợp khi tới Khu vực An ninh Chung (JSA) để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4.
Kể từ khi hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký vào năm 1953, không một lãnh đạo Triều Tiên nào từng bước qua ranh giới quân sự giữa hai miền. JSA đã đóng cửa với du khách từ tuần trước để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên.
Nhà Hòa bình ở JSA đang được sửa sang bên trong và sơn sửa, lắp đặt thêm các thiết bị an ninh bên ngoài để chuẩn bị cho cuộc gặp. Nhà Hòa bình được xây dựng vào năm 1980 để tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức chính phủ hai nước. Tuy nhiên, do quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên đóng băng trong thời gian gần đây, tòa nhà này thường xuyên trong tình trạng bỏ trống.
Trong JSA có tổng cộng 6 tòa nhà, ba tòa màu xanh dương nằm dưới quyền sử dụng của Hàn Quốc, còn ba tòa màu trắng thuộc sự quản lý của Triều Tiên.
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do hai nước chưa ký hiệp định hòa bình. "Hy vọng chúng tôi sẽ tận dụng triệt để cơ hội này để lấy đà tạo dựng hòa bình với miền Bắc", một quan chức Hàn Quốc nói trong cuộc họp báo.
An Hồng