Snowden đã rời Hong Kong đến một nước thứ ba. Ảnh: news168.co.uk |
Xác nhận chuyến đi của Snowden, chính quyền Hong Kong cho hay họ "không có cơ sở pháp lý" nào để ngăn cựu nhân viên CIA 30 tuổi này rời khỏi đây, vì chính phủ Mỹ không cung cấp đủ thông tin để chứng minh cho lệnh bắt giữ tạm thời được đưa ra vào hôm 21/6.
"Edward Snowden đã rời Hong Kong hôm nay theo ý nguyện riêng của anh ta đến một nước thứ ba thông qua một kênh hợp pháp và bình thường", chính quyền đặc khu hành chính cho biết trong một thông báo, nhưng không xác nhận về điểm đến của Snowden.
Theo SCMP, cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bay chuyến SU123 của hãng hàng không Nga Aeroflot. Máy bay dự kiến hạ cánh xống sân bay Sheremetyevo của Moscow vào khoảng 17h15 giờ địa phương (1315 GMT), theo thông tin trên trang web của hãng.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông không có thông tin gì về việc Snowden đang bay sang Moscow. Truyền thông Nga đưa tin Snowden có thể đang trên đường quá cảnh sang Cuba hoặc một quốc gia Nam Mỹ.
Trên trang Twitter của mình, WikiLeaks tuyên bố "hỗ trợ việc sắp xếp cho Snowden được tị nạn chính trị ở một quốc gia dân chủ, các giấy tờ thông hành và rời khỏi Hong Kong an toàn", nhưng không tiết lộ đích đến của anh ta. WikiLeaks cho biết Snowden đang ở trong không phận của Nga.
Snowden đến Hong Kong hôm 20/5 để bắt đầu công khai những thông tin về chương trình nghe lén điện thoại và theo dõi dữ liệu máy tính của NSA, gây lo ngại cho các chính phủ trên khắp thế giới. Chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định chương trình giám sát này là hợp pháp và đã giúp ngăn chặn nhiều âm mưu cực đoan.
Động thái mới nhất của Snowden có thể sẽ là một cú sốc với Mỹ, khi Washington vừa công bố những cáo buộc, trong đó có tội trộm cắp và gián điệp, chống lại Snowden hôm 21/6, nhằm buộc anh ta phải về nước.
Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Tom Donilon cho biết, những cáo buộc trên phù hợp cho việc dẫn độ theo hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong, đặc khu hành chính (SAR) nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc, vẫn duy trì hệ thống luật pháp riêng bắt nguồn từ Anh, cho biết đã thông báo cho Washington về sự rời đi của Snowden.
Hong Kong cũng yêu cầu Washington trả lời về "những báo cáo trước đó cho rằng chính phủ Mỹ đã tấn công hệ thống máy tính của đặc khu hành chính".
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền mới nhất hôm qua với SCMP, Snowden đã tiết lộ thêm những thông tin mới về hoạt động gián điệp mạng của Mỹ nhằm vào các mục tiêu ở Trung Quốc, dẫn đến một bài viết gay gắt trên hãng thông tấn chính thức của Tân Hoa Xã.
Theo đó, Mỹ đã tấn công hàng loạt công ty điện thoại di động của Trung Quốc để thu thập hàng triệu tin nhắn thoại. Ngoài ra, Washington cũng tấn công mạng máy tính của đại học Thanh Hoa, một trong 6 "xương sống của mạng lưới", định tuyến lưu lượng truy cập Internet của toàn Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì, cả về tiết lộ của Snowden lẫn việc anh này rời Hong Kong.
"Moscow sẽ không phải là điểm đến cuối cùng của anh ta", SCMP nói, dẫn những "nguồn tin đáng tin cậy", và gây nghi ngờ rằng Iceland hoặc Ecuador có thể là đích đến của Snowden.
Tại Moscow, không thấy bóng dáng của Snowden ở ga đến của chuyến bay. Các hành khách đi cùng chuyến bay với người này cho hay anh ta đã biến mất ngay sau khi phi cơ hạ cánh. Họ cho biết có một chiếc ôtô tiếp cận máy bay và lấy ba kiện hành lý trực tiếp từ máy bay cho vào xe.
Phóng viên của AFP cho hay họ nhìn thấy một chiếc xe của đại sứ quán Ecuador tại khu vực đón VIP của sân bay. Điều này dẫn đến đồn đoán rằng có thể Snowden sẽ qua đêm nay ở một trong các sứ quán của các quốc gia Nam Mỹ, trước khi đến khu Ecuador hay Cuba hoặc Venezuela ngày mai.
Anh Ngọc