Chiếc trực thăng được cho là chở Karadzic đang đáp xuống nhà giam của Tòa án quốc tế La Haye. Ảnh: Reuters. |
Đoàn xe dẫn giải Karadzic bịt kín mít các cửa sổ và rời trụ sở tòa án ở Belgrade từ sáng sớm. Đây là nơi ông bị tạm giam kể từ khi bị bắt 9 ngày trước. Sau đó, một chuyến bay đặc biệt của chính phủ Serbia đưa nghi phạm này tới Rotterdam của Hà Lan. Từ đây ông được chuyển đến nhà giam của tòa án quốc tế đặt gần La Haye.
Một chiếc trực thăng đáp xuống khu giam giữ được bao bọc bởi những bức tường cao, trong khi một chiếc khác liên tục quần đảo trên không. Cùng lúc này cũng có hai chiếc xe ô tô chuyên dụng màu đen bịt kín mít tiến vào bên trong nhà giam, nên không rõ Karadzic được đưa tới đây bằng đường không hay đường bộ.
Theo thủ tục thông thường, Karadzic sẽ được đọc các quyền của mình trong quá trình xét xử, tiến hành lăn dấu vân tay, chụp ảnh lưu trữ và sau đó trải qua một cuộc kiểm tra y tế. Trước đó, nghi phạm 63 tuổi này đã tìm mọi cách chống lại việc bị dẫn độ sang Hà Lan nhưng bất thành.
Karadzic bị bắt hôm 21/7 tại Belgrade sau 13 lẩn trốn với chiêu thức ngoạn mục là nuôi bộ râu rất rậm và tự xưng là chuyên gia nghiên cứu trị liệu bổ sung. Với vỏ bọc này ông tự do đi lại khắp Belgrade, có người tình và thậm chí còn thuyết trình trước đám đông. Các tội danh ông bị cáo buộc đều liên quan đến cuộc xung đột Bosnia trong năm 1990.
Chuyến bay đưa Karadzic tới Hà Lan diễn ra vài giờ sau khi xảy ra đụng độ trong một cuộc tuần hành của khoảng 10.000 ủng hộ ông ở Belgrade. Những người quá khích mang theo gạch đá và đốt pháo sáng để phản đối việc bắt giữ và dẫn độ Karadzic. Lực lượng chống bạo động Serbia phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Có hơn 40 người, phần lớn là cảnh sát, bị thương trong vụ hỗn loạn.
Dự kiến Karadzic sẽ có cuộc trình diện đầu tiên trước tòa trong một vài ngày tới và chính thức nghe các cáo buộc chống lại mình.
Radovan Karadzic là người đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Serbia của Bosnia & Herzegovina (về sau đổi tên thành Cộng hòa Srpska) năm 1992 và tự xưng làm tổng thống. Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc cáo buộc ông phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột sắc tộc tại Bosnia (1992-1995). Trong đó đẫm máu nhất là vụ giết hại 7.500 nam giới theo Hồi giáo ở Srebrenica, tháng 7/1995.
Karadzic còn bị buộc tội đã cho quân đội pháo kích đẫm máu vào thành phố Sarajevo và dùng 284 lính gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc làm lá chắn sống, trong hai tháng 5 và tháng 6/1995. Ông này lẩn trốn từ sau hiệp ước Dayton giúp chấm dứt cuộc chiến tại Bosnia năm 1996. Sức ép quốc tế về việc bắt giữ Karadzic lên cao vào đầu năm 2005, khi một vài cựu tướng dưới quyền ông này ra đầu thú.
Đình Chính (theo BBC, AP)