"Chúng tôi đang liên hệ với ít nhất 10 quốc gia, một số ở châu Âu" để thảo luận về việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, AFP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely nói ngày 25/12.
Bà Hotovely không nêu tên các quốc gia trên. Nguồn tin ngoại giao Israel tiết lộ có Honduras, Philippines, Romania và Nam Sudan.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán ở Tel Aviv về thành phố này. Ngày 24/12, Guatemala thông báo chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, động thái bị Palestine mô tả là "đáng xấu hổ".
Theo Hotovely, Tổng thống Trump sẽ "tạo ra một làn sóng" những động thái như vậy. "Chúng ta mới chỉ thấy sự khởi đầu", bà Hotovely nói.
Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Tuyên bố của Trump làm dấy lên sự giận dữ trên lãnh thổ của người Palestine và thế giới Hồi giáo. 128 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ngày 21/12 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết bác bỏ quyết định của Mỹ, tái khẳng định trạng thái của Jerusalem cần được thống nhất thông qua đàm phán.
Hiện tại, không có quốc gia nào có đại sứ quán ở Jerusalem. Thay vào đó, các nước đặt đại sứ quán tại thành phố Tel Aviv, thủ phủ thương mại của Israel.
Như Tâm