Bố của Gina DeJesus, ông Felix DeJesus, vẫn cầu nguyện cho con suốt gần 10 năm kể từ khi cô mất tích. Ảnh: AP |
Vào một ngày mùa xuân lạnh lẽo cách đây 9 năm, cô bé 14 tuổi Gina DeJesus dự định bắt xe buýt từ trường về nhà, nhưng rồi không ai còn nhìn thấy em sau đó.
"Tôi cho con bé 1,25 USD để bắt xe buýt vì bên ngoài trời rất lạnh", mẹ của Gina, bà Nancy Ruiz nhớ lại. "Nhưng nó lại muốn đi bộ về nhà và dùng số tiền này mua đồ ăn vặt sau giờ học".
Khi không thấy cô con gái lớp 7 về nhà, bà Ruiz liền ra quầy tạp hóa để xem có Gina ở đó không, nhưng không tìm thấy con. Hai giờ sau đó, bà Ruiz lo lắng gọi cho bạn bè của Gina ở trường trung học Wilbur Wright để hỏi thăm nhưng không ai nhìn thấy cô bé.
Cuối cùng, vào 17h30 ngày 2/4/2004, bà Ruiz đã quyết định gọi cho cảnh sát.
Hai ngày sau đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng vào cuộc tìm kiếm Gina, trong khi người mẹ với trái tim như tan vỡ cùng các người thân của cô bé dán những thông báo tìm người có hình Gina khắp nơi.
Cha của cô bé, ông Felix DeJesus, suy sụp đến mức phải nhập viện. Mọi người trong gia đình của Gina đều mường tượng đến trường hợp tồi tệ nhất đối với con gái.
"Con bé không bao giờ bỏ nhà đi cả", dì của Gina, Peggy Arida, nói.
Hàng trăm cảnh sát đã gõ cửa từng nhà một trong khắp vùng và lần theo hàng trăm manh mối được cung cấp nhưng hóa đều là giả.
Các nhà tâm lý được mời đến và Gina trở thành "cô gái được truy tìm gắt gao nhất nước Mỹ", cùng với một thiếu niên Cleveland khác cũng mất tích không dấu vết trước đó một năm, Amanda Berry, 17 tuổi. Không ai có thể ngờ được hai cô gái lại cùng bị giam cầm với một nạn nhân thứ ba, Michelle Knight, tại một ngôi nhà ở đại lộ Seymour, thành phố Cleveland.
Hai tháng sau khi Gina biến mất, gia đình DeJesus cũng rời khỏi ngôi nhà của họ, nơi chỉ cách ngôi nhà ác mộng ở đại lộ Seymour có 5 km.
"Tôi sẽ không từ bỏ hy vọng", ông Felix DeJesus nói sau khi họ ra đi. "Miễn là con bé vẫn còn đâu đó ngoài kia, tôi vẫn sẽ tìm kiếm con bé".
Gina DeJesus mới 14 tuổi khi bị bắt cóc năm 2004. Ảnh: NY Daily News |
Trong một sự tình cờ kỳ lạ, một trong những phóng viên từng viết bài về vụ mất tích của Gina lại chính là con trai của Ariel Castro, nghi phạm chính trong vụ bắt cóc ba phụ nữ trên.
Anthony Castro, 31 tuổi, khi đó còn là sinh viên báo chí ở trường đại học Bowling Green, đã phỏng vấn bà Ruiz để viết bài cho một tờ báo cộng đồng. Tựa đề của bài viết là "Sự biến mất của Gian DeJesus đã đảo lộn khu phố cô sinh sống".
"Đây là chuyện không thể hiểu nổi. Bây giờ tôi thực sự choáng váng", con trai nghi phạm nói.
Năm tháng cứ thế trôi đi nhưng cứ đến 2/4 hàng năm, bố mẹ của Gina lại cùng nhau làm lễ cầu nguyện tại giao lộ phố West 105 và đại lộ Lorain, nơi con gái họ lần cuối được nhìn thấy.
Tháng trước, họ lại đến đây, tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục hy vọng. Và rồi, như một phép màu, lời cầu nguyện của họ đã được đền đáp vào ngày 6/5.
Amanda Berry, Gina DeJesus cùng Michelle Knight cùng trốn thoát khỏi căn nhà mà ba người bị giam cầm, nhờ sự giúp đỡ của một người hàng xóm và báo cho cảnh sát. Ariel cùng hai người anh em là Onil và Pedro Castro bị bắt ngay sau đó.
"Đây đúng là một món quà tuyệt vời trong Ngày của Mẹ", em họ của Gina, Sylvia Colon nói, nhắc đến một ngày lễ của Mỹ diễn ra vào chủ nhật thứ hai của tháng 5.
Băng rôn có dòng chữ "Chào mừng trở về nhà Gina" và bóng bay treo ở hàng rào nhà cô. Ảnh: AP |
Nhân Mã (theo NY Daily News)