Theo VOA hôm qua, quân đội Hàn Quốc không ban bố báo động kể từ khi Triều Tiên tuyên bố bắt đầu "tình trạng chiến tranh" giữa đôi bên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra văn bản yêu cầu miền bắc chấm dứt đe dọa, và không coi đây là mối nguy mới
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách quan hệ liên Triều, cũng nói rằng tuyên bố về “tình trạng chiến tranh” mà Triều Tiên đưa ra không có gì mới lạ, mà chỉ là một sự tiếp diễn của những hành vi đe dọa và khiêu khích.
Quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận gần biên giới với Triều Tiên. Ảnh minh họa: Xinhua |
Tuy lời lẽ đe dọa của Triều Tiên rất mạnh mẽ, giới quan sát không tin rằng một cuộc chiến sắp xảy ra, bởi những tuyên bố của Bình Nhưỡng được cho là nhằm đoàn kết công chúng trong nước, hơn là nhắm đến các đối phương ở nước ngoài. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy sự di chuyển của các đơn vị quân đội Triều Tiên, và khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới vẫn hoạt động bình thường.
"Những diễn biến hiện nay, tôi cho là một phần của Hội chứng tháng Ba trên bán đảo Triều Tiên", Bloomberg dẫn lời Kenneth Quinones, giáo sư Triều học tại đại học Akita Nhật Bản. "Mỗi tháng Ba, khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận, Triều Tiên lại báo động mạnh và đưa ra những lời đe dọa tương tự. Điểm khác biệt là những lời lẽ của họ ngày càng căng thẳng hơn, và tình hình luôn khiến người ta lo ngại và theo dõi sát".
Daniel Pinkston, một nhà phân tích của ICG, nói rằng tuyên bố của Triều Tiên hôm qua khiến người ta lo ngại về một tính toán sai lầm, theo VOA.
"Chúng ta đã sống với mối đe dọa đó hơn nửa thế kỷ nay", ông Pinkston nói. "Tôi cho là nguy cơ xung đột đang tăng lên". Theo nhà phân tích này, chính sách quân sự hóa của Bình Nhưỡng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ.
Quan chức cấp cao Mỹ cho biết họ xem xét một cách nghiêm túc lời đe dọa chiến tranh của Triều Tiên, trong khi các nước khác gồm Nga, Pháp và Australia đã lên tiếng đề nghị các bên hết sức kiềm chế để hạ nhiệt cẳng thẳng trên bán đảo.
Ánh Dương