Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-Lac (phải) và người đồng cấp Ri Yong-Ho của Triều Tiên trong cuộc gặp hồi tháng 7. Ảnh: yonhap |
AFP cho hay trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-Lac và người đồng cấp Ri Yong-ho của Triều Tiên sẽ tổ chức các cuộc thảo luận này tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thời gian cụ thể vẫn chưa xác định, có thể là ngày 20 và 21/9 tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho biết trưởng đàm phán hạt nhân Triều Tiên Ri Yong-ho sẽ có mặt ở Bắc Kinh vào ngày 19/9 tới để tham dự lễ kỷ niệm tuyên bố chung do sáu bên gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên ký kết.
Ông Ri cũng sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ. “Kỷ niệm năm thứ 6 ký kết tuyên bố chung là một dịp quan trọng để cùng nhìn lại tinh thần của tuyên bố và tìm cách thúc đẩy đối thoại sáu bên”, bà Khương Du nói thêm.
Triều Tiên đã rút khỏi vòng đàm phán này hồi tháng 4/2009 nhằm trả đũa việc Liên Hợp Quốc lên án cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa và tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình.
Hồi tháng 7, hai đại sứ hạt nhân Liên Triều từng có cuộc gặp tại đảo Bali của Indonesia, bên lề một hội nghị của các nước ASEAN. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên về vấn đề hạt nhân bên ngoài khuôn khổ của vòng đàm phán sáu bên. Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ cũng đã gặp nhau ở New York để bàn về việc tái khởi động vòng đàm phán này.
Trong chuyến thăm Nga tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại cuộc đối thoại. Ông Kim cũng cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm vô điều kiện đối với việc thử nghiệm và làm giàu hạt nhân khi đàm phán được nối lại. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đem lại hiệu quả. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên phải hành động thực sự trước khi nối lại đàm phán sáu bên.
Bên cạnh chương trình làm giàu plutonium được cho là đủ để sản xuất 6 đến 8 quả bom, Triều Tiên còn công bố một nhà máy làm giàu uranium mới hồi năm ngoái. Nước này khẳng định năng lượng hạt nhân được sử dụng nhằm mục đích phi quân sự, nhưng các chuyên gia cho biết việc chế tạo bom hạt nhân từ nguồn năng lượng này là rất dễ xảy ra.
Anh Ngọc