Volodymyr Palkin mất ít nhất hai tháng mỗi năm tại một bệnh viện ở thủ đô Kiev, Ukraina. Ông là một trong số hàng trăm nghìn nhân viên cứu hộ được điều tới nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, để tham gia công tác khắc phục sau thảm họa ngày 26/4/1986.
Khoảng 600.000 người từ Belarus, Nga và Ukraine được đưa tới Chernobyl trong những năm sau thảm họa với vai trò của những "cảm tử quân". Họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm để thu dọn các mảnh vụn nhiễm xạ sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Giống như nhiều người khác, cuộc đời Palkin đã thay đổi hoàn toàn sau cái ngày định mệnh ấy. Sức khỏe của ông suy giảm do điều kiện làm việc độc hại và những di chứng vẫn còn dù một phần tư thế kỷ đã trôi qua.
Ông Palkin cầm trên tay bức ảnh của chính ông, được chụp tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl 25 năm trước. Ảnh: AFP |
Ông Palkin nay 69 tuổi. Ngồi trên chiếc giường trong bệnh viện mà ông đã coi là ngôi nhà thứ hai, Palkin lần giở lại những tấm ảnh của các đồng nghiệp cũ, những người nằm trong số 30 người bị xác định là thiệt mạng trong những tuần đầu tiên sau thảm họa.
Palkin nhận được lệnh tới Chernobyl làm việc đúng vào ngày xảy ra thảm họa, và vài tuần sau đó phải nhập viện vì bị xuất huyết ở cổ họng và ruột. Palkin kể rằng ông đã được các nhà chức trách yêu cầu ký xác nhận mức độ phơi nhiễm phóng xạ chỉ bằng một nửa so với thực tế.
"Tôi từng là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng giờ thì ngay cả việc đi lại cũng là một việc làm khó khăn. Tôi gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng ở tuyến giáp còn răng thì cứ ngày một rụng dần", Palkin thều thào nói.
Ông lão già yếu cũng không quên phàn nàn về đồng lương hưu còm cõi khoảng 202 USD/tháng, mà phần lớn được chi ra để mua thuốc. Là một "cảm tử quân có giấy chứng nhận", Palkin hàng tháng còn nhận được khoảng 38 USD tiền ăn và 50% chiết khấu trong các hóa đơn sinh hoạt.
Ở cùng phòng bệnh với Palkin là ông lão 70 tuổi Volodymyr Zabolotny, cũng là một "cảm tử quân" tại Chernobyl năm nào. Tuy nhiên, khác với Palkin, Zabolotny lại cho rằng những vấn đề sức khỏe mà ông đang gặp phải phần nhiều do tuổi tác chứ không vì điều kiện làm việc độc hại ở Chernobyl.
Khi chính những "cảm tử quân" còn có cách nhìn nhận khác nhau về tổn thương sức khỏe sau thảm họa, cũng không có gì lạ nếu các tổ chức tranh cãi về vấn đề này.
Nhiều tổ chức trong đó có Hòa bình xanh đã cho rằng, khoảng 100.000 ca ung thư dẫn tới tử vong có liên hệ trực tiếp với thảm họa Chernobyl. Rất nhiều trong số này là những "cảm tử quân" như các ông Palkin và Zabolotny.
Tuy nhiên, Ủy ban khoa học Liên Hợp Quốc về phóng xạ nguyên tử (UNSCEAR) lại không đồng ý với nhận định trên. Trong bản báo cáo mới nhất hồi tháng hai, tổ chức này ước tính chỉ có hơn chục người thiệt mạng có liên quan trực tiếp tới thảm họa Chernobyl, chứ không phải là vài nghìn người.
Một bức không ảnh chụp nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi thảm họa xảy ra. Ảnh: Chnpp |
Hai công nhân nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã chết trong vụ nổ tại đây. Một thời gian ngắn sau đó, 28 nhân viên cứu hộ và cứu hỏa thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ. Bản báo cáo của UNSCEAR cho rằng chỉ có thêm 19 người sống sót sau khi nhiễm xạ qua đời kể từ đó tới năm 2006, nhưng vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải chỉ vì bị phơi nhiễm phóng xạ.
Cũng theo UNSCEAR, tác động chủ yếu đối với sức khỏe của phần lớn cư dân tại vùng thảm họa là 6.000 ca ung thư tuyến giáp, được lý giải là do trẻ em uống phải sữa bị nhiễm xạ vào thời gian đó. Cho tới năm 2005, chỉ 15 em trong số này được xác nhận đã tử vong. Ung thư tuyến giáp có thể điều trị được.
"Đối với các 'cảm tử quân', ngoại trừ việc tác động của bệnh bạch cầu và bệnh đục thủy tinh thể có tăng ở những người phải điều trị lâu dài, không có bằng chứng nào cho thấy các vấn đề sức khỏe của họ có liên quan tới việc phơi nhiễm phóng xạ", bản báo cáo của UNSCEAR có đoạn.
Một số chuyên gia cho rằng di chứng tồi tệ nhất của thảm họa Chernobyl không phải là ở sức khỏe mà là trong tinh thần, đặc biệt là những người bị tác động mạnh bởi những ký ức về ngày 26/4/1986. Di chứng tinh thần ấy thống trị mọi cảm giác của họ, khiến họ nghĩ rằng mình là nạn nhân của một thảm họa hạt nhân.
Tất nhiên, những nhận định như vậy chẳng khác nào làm kích hoạt nỗi bức xúc dồn nén lâu ngày ở Ukraina. Các nhóm cựu "cảm tử quân" ở nước này từ lâu đã cho rằng những vấn đề sức khỏe của họ là do ảnh hưởng của thảm họa Chernobyl. Những người này đồng thời chỉ trích gay gắt giới chức hậu Xô viết vì những khoản bồi thường không tương xứng.
Những tranh cãi về tác động thực sự của thảm họa Chernobyl đối với sức khỏe con người vẫn chưa có hồi kết. Người ta đành phải chờ câu trả lời cuối cùng của thời gian.
Phan Lê (theo AFP)