Đầu trọc Nga. |
Để nhấn mạnh nguồn gốc của mình, những thanh niên này ăn mặc giống công nhân bốc xếp và cạo trọc đầu. Hình ảnh trọc đầu được vay mượn từ nền văn hoá nhóm Jamaica để chứng tỏ thái độ tích cực với văn hoá da màu. Làn sóng đầu trọc đầu tiên không hề có tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Làn sóng đầu trọc thứ hai xuất hiện ở Anh vào cuối những năm 1970. Họ là sản phẩm phụ của cuộc khủng hoảng kinh tế, dẫn tới thất nghiệp trên diện rộng. Khi đó, những phần tử phát xít mới ở Anh bắt đầu gây ảnh hưởng với những người đầu trọc bằng cách tuyên truyền các quan điểm phân biệt chủng tộc, đổ lỗi cho người nước ngoài đã tước đi việc làm "của người Anh". Khẩu hiệu "Hãy giữ màu trắng của nước Anh" nhanh chóng trở thành đặc trưng của lực lượng này. Một số thành viên có quan điểm cực hữu trở thành phần tử đầu trọc phát xít. Không chỉ ở Anh, chúng còn nổi lên tại Ba Lan, CH Czech, Hungary, Croatia, Slovenia và Bulgaria. Đặc biệt, các nhóm đầu trọc phát xít được thành lập trên khán đài ở những sân bóng đá ở Đức, Anh. Các tổ chức tương tự cũng xuất hiện tại Mỹ.
Một lực lượng khác xuất hiện trong thời gian này, thường được gọi là đầu trọc đỏ. Họ bác bỏ các tư tưởng phát xít và quan điểm chủng tộc thượng đẳng. Lực lượng này chống đối đầu trọc phát xít và thường tham gia các cuộc bạo động. Tư tưởng đầu trọc đỏ dựa trên các nguyên tắc chủ nghĩa quốc tế và công bằng xã hội. Ngày nay, họ vẫn hoạt động ở Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Ba Lan và Tây Ban Nha (cụ thể là xứ Basque).
Đầu trọc xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào đầu thập kỷ 1990. Giống như những kiểu văn hoá vay mượn khác của thanh niên (hippy, say mê nhạc rock, mê đi xe đạp...), phong trào này đến từ phương tây. Matxcơva, Saint Petersburg và Nizhni Novgorod trở thành trung tâm hoạt động của lực lượng đầu trọc Nga.
Theo nhiều ước tính khác nhau, vào giữa năm 1998, có 700-2.000 tên đầu trọc ở Matxcơva, 700-1.500 ở Saint Petersburg và 1.000 ở
Nizhni Novgorod. Ngoài ra, còn có hàng trăm tên khác ở cách thành phố như Yaroslavl, Voronezh, và các thành phố vùng Siberia Irkutsk và Omsk, hay tới tận Rostov-trên-sông-Đông, Krasnodar ở miền nam và Vladivostok vùng Viễn Đông.
Tính đến cuối năm 1999, số thành viên đầu trọc ở Matxcơva đã lên tới 3.500-3.800, Saint Petersburg là 2.700, Nizhni Novgorod hơn 1.500, và Yaroslavl, Pskov cùng Kaliningrad (thuộc vùng Baltic) 1.000. So với năm 1992, chỉ có 10 tên đầu trọc ở Matxcơva và 5 ở Saint Petersburg thì đây là sự gia tăng đáng kinh ngạc. Các nhà phân tích chính trị Nga cho rằng phong trào đầu trọc ở nước này tăng lên vì hai lý do: khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của hệ thống giáo dục, nuôi dưỡng.
Thông thường, những kẻ đầu trọc, phần lớn là học sinh và thất nghiệp, tụ tập thành các băng nhóm nhỏ ở nơi chúng sống và học tập. Đồng thời, cũng có những tổ chức với quy định chặt chẽ, tiến hành các hoạt động dân tuý ở một số thành phố Nga. Chẳng hạn, có 4 tổ chức đầu trọc kiểu như vậy ở Matxcơva, bao gồm Lữ đoàn đầu trọc, Máu và Danh dự - Nguồn gốc Nga, Lữ đoàn đoàn kết 88 và Mục tiêu Nga. Tổng cộng, có 450 người tham gia những nhóm này. Có một nhóm đầu trọc phát xít nhỏ theo đường lối nam nữ bình quyền - Các cô gái Nga. Saint Petersburg cũng có các băng đảng, như Quả đấm Nga (150 thành viên), Nizhni Novgorod có nhóm Bắc, với 150 người và Gấu trắng ở Yaroslavl với 80 thành viên.
Theo Bộ Nội vụ Nga, có tới 20.000 thanh niên tham gia các nhóm đầu trọc, nhưng không có một tổ chức duy nhất. Chủ tịch tiểu ban tội phạm vị thành niên thuộc Uỷ ban Điều tra tội phạm Matxcơva Sergei Zherebin cho biết, không có phong trào đầu trọc hay tổ chức xuất phát điểm. Nếu có, thì đây chỉ là "thần thoại" do báo chí tạo ra. Theo Zherebin, đó là "mốt" của tuổi trẻ. Tuy nhiên, những nhóm cực đoan rời rạc cũng là một nhân tố nghiêm trọng làm tình hình chính trị - xã hội của Nga bất ổn.
Phân tích các sự kiện, thì những cuộc bạo động, đánh đập và giết người của các phần tử đầu trọc Nga thường nhằm vào người Kavkaz và châu Á, đôi khi là người Mỹ và châu Âu. Bản thân những tên đầu trọc cho rằng chúng đang cố gắng chống người nhập cư vào Nga bởi chính những người này mang theo nền văn hoá ngoại lai vào Nga.
Phong trào đầu trọc Nga với những phần tử phát xít mới nước ngoài cũng có quan hệ với nhau. Từ năm 1998, đại diện các nhóm phát xít mới đã tới Nga từ Mỹ, Đức và Áo để chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên địa phương. Đặc biệt, đại diện nhóm Ku-Klux-Klan và NSDAP/OA đã tới từ Mỹ, trong khi Viking trẻ, Liên Hiệp Quốc gia Đức, Mặt trận Nhân dân Dân tộc, Mũ thép và Liên minh Cánh hữu đến từ Đức. Chúng gửi tài liệu, thiết bị và các cuốn băng tiếng thông qua những tổ chức cực đoan ở Estonia, Lavia và Litva.
Tư tưởng của nhiều nhóm đầu trọc phát xít đang ngày một gần nhau hơn. Chúng đã nhiều lần tìm cách thống nhất các ý tưởng dựa vào chủ nghĩa dân tộc Nga, chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa tự do, chống thân Mỹ và bài Do Thái.
Duma Nga đã thông qua Đạo luật Chống Hoạt động cực đoan để đối phó với những thế lực kiểu này. Theo đó, các cuộc gây rối do động cơ tư tưởng, chính trị, chủng tộc, dân tộc hay thù hận tôn giáo là tội hình sự và sẽ bị truy tố.
Một số chuyên gia cho rằng còn phải thực hiện các biện pháp chống cực đoan ở lớp trẻ. Đầu trọc là hậu quả của khủng hoảng xã hội. Vì vậy, chấm dứt khủng hoảng, cải thiện mức sống, tăng cường giáo dục, văn hoá sẽ hiệu quả hơn, đáng tin cậy hơn và ít gây đau đớn hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan so với những đạo luật hà khắc.
Nguyễn Hạnh (theo Novosti, Pravda)