Ông Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh.
"Giọng của ông ấy nghe chín chắn và vừa phải, giống như của một người đàn ông lớn tuổi hơn", Wonjin Yoon, một người Hàn Quốc nhận xét về chất giọng độc đáo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh hôm nay, theo SCMP.
Ông Kim Jong-un từng theo học tiếng Đức tại trường Steinhoelzli, gần thủ đô Bern của Thụy Sĩ dưới cái tên giả "Pak-un" từ năm 15 tuổi và điều này lý giải cho chất giọng lạ mang âm hưởng Thụy Sĩ của ông. Một số người xem còn nhận xét rằng giọng nói của ông Kim Jong-un mang tính "cởi mở" và ngắn gọn.
"Mọi người đều nghĩ rằng giọng nói của ông ấy sẽ giống như một cậu bé, nhưng không phải, ông ấy nói rất hay, đặc biệt khi nói đùa sẽ đưa món mỳ lạnh Triều Tiên tới Hàn Quốc. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên", Wonjin nói.
Người dân Hàn Quốc và Triều Tiên sử dụng chung tiếng nói, nhưng những điểm khác biệt trong ngôn ngữ hai miền từ lâu được xem là rào cản lớn đối với những người Triều Tiên đào tẩu tìm cách hòa nhập xã hội Hàn Quốc. Rất nhiều người đào tẩu cho rằng sự khác nhau trong chất giọng, từ vựng và lối nói thông dụng khiến họ cảm thấy bị "ra rìa". Một số người khác học nói giọng chuẩn Seoul hoặc Gyeonggi để thích nghi.
"Những vấn đề lớn nhất trong giao tiếp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là lối nói thông dụng và những từ vay mượn tiếng Anh. Tiếng lóng Hàn Quốc, đặc biệt là tiếng lóng trên mạng, thường liên quan đến tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác, hoặc có thể là chữ viết tắt của cụm tiếng Hàn dài hơn", Jenna Gibson, giám đốc truyền thông tại Viện Kinh tế Hàn Quốc cho biết.
"Đối với người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, một trong những vấn đề khó nhất là từ mượn tiếng Anh. Hàn Quốc sử dụng tiếng Anh – Hàn khá thường xuyên, đặc biệt là những từ liên quan đến công nghệ như 'computer' (máy tính) và 'Internet'. Ở Triều Tiên, người dân sử dụng ngôn ngữ bản địa, trong vài trường hợp là từ mượn tiếng Nga", Gibson nói thêm.
Người Triều Tiên nói rằng người Hàn Quốc khó hiểu lời nói của họ dù hai bên đều sử dụng cùng một ngôn ngữ. Mặc dù vậy, tại những cuộc gặp cấp cao chính thức, hai bên đều cố gắng không mang theo thông dịch viên.
Cũng như các hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và 2007, ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay không sử dụng thông dịch viên. Tuy nhiên, ngôn ngữ ở hai miền Triều Tiên ngày càng khác biệt rõ ràng hơn. Hàn Quốc ngày càng đồng hóa nhiều từ tiếng Anh và ngôn ngữ nước ngoài, trong khi Triều Tiên đang sử dụng nhiều hơn từ mượn tiếng Nga và phát triển từ vựng đặc trưng của Triều Tiên.
"Nhiều khả năng hai phái đoàn sử dụng nhiều từ mượn tiếng Anh trong cuộc gặp. Những quan chức tháp tùng ông Kim có thể đã trải qua đào tạo hoặc tiếp xúc với tiếng Anh", Gibson nói. "Vì đây là cuộc gặp đầu tiên, hai bên sẽ sử dụng thời gian để hiểu nhau và có thể không đi sâu vào những vấn đề đụng đến từ chuyên môn gây khó hiểu cho cả hai bên".
Tuy nhiên, trong cuộc gặp hôm nay, ông Kim và ông Moon dường như không gặp vấn đề về giao tiếp. Hai người trò chuyện riêng trong khoảng 30 phút trên một cây cầu gỗ mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào của người phiên dịch.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh mang lại bầu không khí rất lạc quan trên bán đảo Triều Tiên, khi hai lãnh đạo tuyên bố sẽ chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa khu vực.
Huyền Lê