Đàm phán tên lửa Nga - Mỹ gần tới ngõ cụt. Ảnh minh họa: RIA Novosti |
"Chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra những giải pháp mà cả hai bên cùng chấp nhận được về vấn đề này (lá chắn tên lửa châu Âu) và tình hình thực tế đã tới rất gần ngõ cụt", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói trong một cuộc thảo luận về vấn đề phòng thủ tên lửa.
Tuyên bố của ông Serdyukov được đưa ra chỉ vài giờ trước khi các tướng lĩnh Nga cùng đàm phán với một nhóm đặc phái viên tới từ Mỹ, ngay trước thời điểm triển khai chính thức những thành phần đầu tiên của lá chắn tên lửa châu Âu vào tháng sau. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến thông báo việc triển khai giai đoạn thứ nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa tại một hội nghị ở Chicago, Mỹ, vào ngày 20/5. Lá chắn này sẽ đi vào hoạt động toàn diện vào năm 2020.
Nga vốn vẫn phản đối mạnh mẽ một hệ thống phòng thủ mà Mỹ sẽ triển khai để bảo vệ các đồng minh ở châu Âu. Giới chức Moscow e ngại lá chắn này có thể gây tổn hại tới khả năng đánh chặn hạt nhân của Nga, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành một chương trình vũ trang mới có quy mô lớn nếu Washington không làm giảm bớt các quan ngại.
Hình vẽ cho thấy lá chắn tên lửa châu Âu. Đồ họa: RIA Novosti |
Nga muốn NATO có những đảm bảo bằng văn bản rằng lá chắn tên lửa châu Âu sẽ không được sử dụng để chống lại các lợi ích của Moscow. Tuy nhiên, Mỹ từ chối cung cấp sự bảo đảm bằng "giấy trắng mực đen" như vậy.
"Các nước liên quan đang phải đối mặt với một tình thế khó xử", Bộ trưởng Serdyukov nói. "Hoặc là chúng ta vượt qua bài kiểm tra về sự hợp tác và cùng đối phó với những thách thức tên lửa mới, hoặc là chúng ta sẽ bị buộc phải có những biện pháp quân sự cần thiết".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho rằng Moscow và Washington vẫn có thể đạt được một thỏa thuận. "Gần đây, việc đàm phán đã được thực hiện nhiều hơn và về mặt nguyên tắc thì một thỏa thuận về phòng thủ tên lửa có thể đạt được", ông Serdyukov nói, đồng thời nhắc lại rằng Mỹ và Nga đã giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa, trong đó có việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, bất chấp những bất đồng.
Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Nikolai Makarov lại cảnh báo rằng một trong những phương án mà Moscow có thể lựa chọn đó là đưa các tên lửa tầm ngắn Iskander tới tỉnh cực tây Kaliningrad, vốn được bao quanh bởi nhiều nước châu Âu.
"Chúng ta sẽ không nói về việc áp đặt bất cứ sự hạn chế nào đối với các thông số kỹ thuật của lá chắn tên lửa châu Âu", ông Makarov nói. "Chỉ có một điều kiện duy nhất: các khu vực có thể đánh chặn không được cắt ngang đường biên giới của nước Nga".
Nhật Nam