Sau ba năm rưỡi làm việc trên cương vị đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nơi "đã cùng những người khác làm sâu sắc thêm lòng tin và tình hữu nghị", đại sứ Michalak có bài phát biểu về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian nhiệm kỳ của ông. Bài phát biểu và đáp từ bao quát hầu hết mọi mặt trong mối quan hệ giữa hai nước, từ chính trị quân sự đến giáo dục, đầu tư thương mại, nhân đạo và đối thoại nhân quyền.
"Thông qua đối thoại với nhau, chúng ta đã thấy những vấn đề nhạy cảm không còn là nhạy cảm nữa, chúng ta đã thu hẹp khoảng cách và đến gần nhau hơn", đại sứ nói về chặng đường 15 năm của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.
"Tôi rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ này", ông nói. Trước khi rời nhiệm sở vào giữa tháng giêng, đại sứ đặc biệt nhấn mạnh những thành quả hợp tác giáo dục, thương mại đầu tư và an ninh quân sự.
![]() |
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak trong cuộc họp tại Hà Nội ngày 6/1, trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ảnh: AFP. |
Dưới đây là nội dung phỏng vấn giữa đại sứ với báo chí hôm nay tại Hà Nội:
- Điều ấn tượng nhất với ông ở Việt Nam là gì?
- Tôi ấn tượng nhất với con người Việt Nam, những người rất nồng ấm và thẳng thắn. Tôi rất thích đi thăm thú đất nước của các bạn, gặp mọi người. Những người tôi đã gặp làm việc công quyền, ở lĩnh vực tư nhân hay trong các trường đại học, cả những người trên phố và trong các quán bia hơi. Tôi tin rằng người Việt Nam có tràn đầy nhiệt huyết và có tinh thần kinh doanh, luôn tìm cách để thành công. Tôi nghĩ đó là những giá trị cần thiết để Việt Nam có thể vươn lên thành nước có thu nhập trung bình và tiến đến phát triển.
- Theo ông thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là gì?
Tôi đã có một loạt cuộc gặp gỡ để chia tay với các bộ ngành, với cả thủ tướng và chủ tịch nước các bạn, và trong mỗi cuộc chuyện trò chúng tôi đều nói đến những thách thức đối với Việt Nam.
Tuy nhiên theo đánh giá của tôi, có được nền giáo dục đẳng cấp thế giới là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. Các bạn có thể nói đến nhiều thử thách khác trong lĩnh vực kinh tế, hạ tầng hay hệ thống chính trị... Để giải quyết những vấn đề này các bạn đều cần phải có những người có năng lực trí tuệ để phân tích và đưa ra giải pháp. Chúng ta đang đi vào kỷ nguyên kinh tế tri thức nên chúng ta cần có được một nền giáo dục tốt.
... Giáo dục là ưu tiên cao nhất của tôi trong nhiệm kỳ công tác. Một nền giáo dục tốt và có nhiều sinh viên được đi học ở nước ngoài là yếu tố cần thiết để phát triển đất nước của các bạn.
Tôi đặc biệt tự hào về trao đổi giáo dục giữa hai nước và cam kết làm việc với chính phủ Việt Nam để củng cố hệ thống giáo dục Việt Nam.
- Ngoài giáo dục, những lĩnh vực nào đã có được kết quả hợp tác khiến ông hài lòng trong nhiệm kỳ?
Việc chính phủ Việt Nam quyết định sẽ tham gia đàm phán đầy đủ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là rất tốt. Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân Mỹ cũng như nhân dân Việt Nam.
Tôi cũng hài lòng về kết quả hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Dàn nhạc giao hưởng New York, dàn nhạc thính phòng Tây Nam đã sang biểu diễn ở Việt Nam. Phải kể đến cả những cuộc hòa nhạc nhỏ trong đó chúng tôi giới thiệu các nghệ sĩ Việt Nam với thế giới, hay chương trình biểu diễn hiphop nữa.
Giữa hai nước đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong quan hệ quân sự, cho thấy lòng tin giữa chúng ta đã sâu sắc hơn. Chúng ta đã chứng kiến một số tàu quân sự Mỹ đến Việt Nam, trong số này có tàu bệnh viện USNS Mercy tới Việt Nam hai lần. Khi ghé Quy Nhơn, tàu đã khám chữa cho 19.000 bệnh nhân. Hai nước cũng có nhiều tiến bộ trong hợp tác cứu trợ thiên tai, và Mỹ mong muốn Việt Nam tham gia hơn nữa trong việc gìn giữ hòa bình.
- Triển vọng hợp tác quân sự Việt-Mỹ trong năm tới là gì?
Khi Bộ trưởng (Quốc phòng Mỹ Robert) Gates tới Hà Nội và gặp Bộ trưởng (Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang) Thanh năm 2010, hai vị đã nhất trí sẽ tăng cường quan hệ trong 5 lĩnh vực ưu tiên là: đào tạo quân sự, chủ yếu là tiếng Anh; hợp tác về quân y; Việt Nam thúc đẩy việc tham gia đội quân gìn giữ hòa bình; Mỹ tăng trợ giúp trong khắc phục hậu quả thiên tai; và tăng cường đối thoại về quốc phòng an ninh.
- Ông có bình luận gì về làn sóng đầu tư thứ ba của các công ty Mỹ vào Việt Nam?
Đặc điểm của làn sóng đầu tư thứ ba là nhiều công ty công nghệ cao vào Việt Nam, chẳng hạn như Intel, nhà máy chế tạo tua bin gió của GE. First Solar cũng đang có kế hoạch vào Việt Nam để sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời. Để sự hoạt động của các công ty Mỹ ở Việt Nam được tốt, họ cần có lực lượng lao động được đào tạo tốt. Intel đã phải đem các kỹ sư từ nước ngoài vào theo nhà máy, bởi họ không kiếm đủ kỹ sư ở Việt Nam.
Thật thú vị, chúng ta lại trở lại với vấn đề cần có chất lượng giáo dục tốt ở Việt Nam.
- Ông muốn được nhớ đến như thế nào ở Việt Nam?
Tôi muốn được nhớ đến như là một đại sứ đã góp phần cải thiện sự gắn bó, lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, dù rằng tôi đã phải có nhiều cuộc đối thoại khó khăn với chính phủ Việt Nam.
Về nhân quyền, tôi nhận thấy đã có nhiều tiến bộ tích cực cũng như còn điểm tiêu cực. ... Tuy nhiên điều khiến tôi vui mừng là trong ít nhất 3,4 lần gặp gỡ với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, chúng tôi đã thảo luận về nhân quyền. Tôi tự hào là dù chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn là bạn của nhau. Thông qua đối thoại, chúng ta thấy các vấn đề trước đây cho là nhạy cảm nay không còn là nhạy cảm nữa, chúng ta đã thu hẹp khoảng cách và tiến tới gần nhau hơn.
- Ông có nhận xét gì về những thay đổi trong xã hội dân sự ở Việt Nam?
Xã hội dân sự ở Việt Nam thay đổi chậm trong ba năm qua. Chẳng hạn quá trình xin cấp phép hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là cực kỳ chậm chạp và cần được cải thiện. Tuy nhiên tôi cũng thấy có sự tiến triển tích cực. Một xã hội dân sự thực sự sôi động sẽ là yếu tố quan trọng để giúp thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam .
- Ông sẽ làm gì sau khi rời cương vị đại sứ?
Tôi sẽ làm việc trong lĩnh vực tư nhân, nhằm đảm bảo cho khu vực tư nhân được tham gia đầy đủ vào tiến trình APEC trong năm tới. Năm 2011, Mỹ sẽ là chủ nhà của APEC.
- Những điều khiến ông thấy tiếc chưa làm được trong nhiệm kỳ ở Việt Nam là gì?
Tôi mong ước có nhiều tiến bộ hơn trong lĩnh vực nhân quyền. Tôi ước có thể giúp thành lập được một đại học kiểu Mỹ ở Việt Nam. Tôi ước có nhiều tiền hơn để đưa được nhiều cán bộ quân đội Việt Nam sang học ở Mỹ. Tôi ước có nhiều tiền hơn để đưa các chuyên gia Mỹ đến Việt Nam giúp chống bệnh dịch HIV/AIDS. Tôi cũng muốn Việt Nam mua nhiều máy bay Boeing hơn.
Tuy nhiên tôi hài lòng với những gì đã làm được. Chúng ta đã cố gắng nhiều và chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ.
... Năm ngoái chúng ta đã kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Nhìn lại 15 năm qua thật bất ngờ về chặng đường dài mà chúng ta đã đi trong khoảng thời gian ngắn đó.
Trong 15 năm tới tôi mong muốn Việt Nam là một nước hùng cường, phồn vinh, độc lập. Tôi mong ước Việt Nam và Mỹ củng cố quan hệ để là đối tác tốt của nhau. Châu Á Thái Bình Dương là thế giới của tương lai. Và trong khối ASEAN, Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất.
Thanh Mai ghi