"Asado!", đại sứ Argentina Juan Carlos Valle Raleigh nhắc đi nhắc lại từ này với các bạn bè Việt Nam có mặt tại bữa tối thân mật tổ chức tại nhà riêng vào cuối tuần.
"Nếu bạn hỏi bất cứ người dân Argentina nào, dù già hay trẻ, họ cũng sẽ nói với bạn rằng: Argentina nổi tiếng khắp thế giới với Asado", đại sứ Raleigh khẳng định với VnExpress.
Có thể so sánh Asado giống như bữa tiệc thịt nướng BBQ ở Mỹ nhưng với người Argentina, Asado không chỉ dừng lại ở việc nấu nướng và ăn uống. "Đó là một nghi lễ", ngài đại sứ nói.
Ở Argentina, các gia đình thường tụ họp một tuần một lần, thường là vào ngày cuối tuần. Và trong dịp sum họp như thế, họ quây quần bên bếp nướng thịt. Hoặc khi muốn muốn bày tỏ tình cảm hay cảm ơn bạn bè, đại sứ Raleigh cho biết dân Argentina thường làm Asado để đãi bạn.
"Bất cứ dịp nào cũng là dịp tốt để chúng tôi nướng BBQ hay đúng hơn là Asado", nhà ngoại giao có 31 năm kinh nghiệm cười lớn nói. Trước khi đến Việt Nam vào đầu năm nay, ông từng làm đại sứ của Argentina ở Mỹ, Lybia và một số quốc gia Nam Mỹ.
"Dân chúng tôi không thích sự hấp tấp và vội vã. Đặc biệt khi ăn uống, chúng tôi nhẩn nha, từ tốn và thư giãn. Asado phản ánh nét văn hóa đó của người Argentina. Cả quá trình chuẩn bị nguyên liệu, nhóm bếp, nướng thịt và đợi thịt chín khá lâu", Francisco Martin Lobo, trưởng bộ phận văn hóa và báo chí của đại sứ quán tại Hà Nội, đứng cạnh giải thích thêm. "Quan trọng hơn cả, mỗi dịp như thế này, chúng tôi có cơ hội tận hưởng thời gian hạnh phúc bên nhau".
Asado bắt nguồn từ truyền thống chăn nuôi những đàn gia súc lớn trên khu vực đồng bằng màu mỡ trải dài qua các tỉnh Buenos Aires, La Pampa, Santa Fe, Entre Rios và Cordoba ở phía đông bắc Argentina. Những người chăn nuôi du mục được gọi là gaucho hay kỵ sĩ sống cuộc đời tự do và phiêu bạt trên đồng bằng. Các gaucho thường nướng thịt bò trên những đống lửa cháy âm ỉ giữa đồng bằng rộng lớn.
"Asado phổ biến vì dân Argentina trước kia là những người chăn nuôi gia súc. Hiện nay chúng tôi là nước xuất khẩu thịt bò lớn, chúng tôi xuất khẩu thịt bò đi khắp nơi trên thế giới", đại sứ Raleigh tự hào cho biết.
Theo cô Carmen Rivero, cán bộ phụ trách thương mại tại đại sứ quán, thị trường xuất khẩu thịt bò chính của Argentina là Mỹ, Liên minh châu Âu và một số các quốc gia Nam Mỹ láng giềng như Brazil.
"Doanh nghiệp Argentina mới chỉ được cấp phép xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam khoảng ba năm trước", cô Rivero nói. Tuy nhiên, số liệu thống kê của bộ nông nghiệp Argentina cho thấy năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 sau Brazil, Trung Quốc và Mỹ nhập khẩu các mặt hàng của Argentina với kim ngạch lên đến 2,6 tỉ USD, gần gấp đôi so với năm 2015, trong đó riêng mặt hàng thịt bò tăng hơn 6 lần lên 5,3 triệu USD.
Khoác lên người chiếc tạp dề, đại sứ Argentina Juan Carlos Valle Raleigh đứng cạnh bếp nướng đỏ than, khéo léo dùng xiên lật những tảng thịt dày khoảng 4 cm. Đại sứ cho biết bí quyết là nướng một mặt khoảng 9 phút sau đó nướng mặt còn lại tầm 7 phút.
"Và nhớ là chỉ lật một lần thôi nhé!", đại sứ Raleigh chia sẻ. Theo ông, phần xả thịt ngon nhất của con bò là tenderloin (thăn nõn hay phi-lê) và striploin (thăn lưng mềm và béo).
Đàn ông Argentina luôn lãnh phần trách nhiệm đứng nướng thịt.
"Khi làm Asado thì việc nướng thịt là việc của cánh đàn ông chúng tôi. Có thể nói đứng nướng thịt là lúc đàn ông được thể hiện sự nam tính. Đương nhiên chúng tôi cũng thích nếu phụ nữ giúp đỡ nhưng nói chung họ chỉ làm sa-lát và món tráng miệng thôi", đại sứ nói.
Như một "Asador"- cách gọi người đứng nướng thịt- lành nghề, đại sứ Raleigh liên tục dùng xẻng dồn than đỏ về một bên để tảng thịt tiếp xúc với nhiệt vừa, như vậy, phần mỡ của thịt sẽ không bị cháy.
"Không phải ai cũng chịu được sức nóng của bếp nướng. Nhưng bạn biết đấy, thành quả thì tuyệt vời", đại sứ vừa nói vừa lấy khăn mùi-xoa ra thấm mồ hôi trên trán giữa buổi tối mùa đông ở Hà Nội.
Hạnh Phạm - Hồng Lê