"Nói thạo tiếng Việt giúp tôi có nhiều ưu đãi lắm. Khi đi mua đào cũng thế, biết tôi là người Palestine, nhiều chủ hàng, đặc biệt là các cụ già, bày tỏ sự ngạc nhiên và thậm chí còn bán cho tôi rẻ hơn cả người Việt", đại sứ Saadi Salama tự hào kể.
Có lẽ hiếm nhà ngoại giao nước ngoài nào đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam phá vỡ được kỷ lục 11 lần ăn Tết Việt của ông Saadi.
Ông tự nhận mình là người có duyên với đất nước Việt Nam, từ cái tên bắt đầu bằng chữ cái "S" đến cuộc hôn nhân với người vợ Việt. Cái duyên ấy đến với Saadi từ khi ông chỉ mới là một cậu bé 12 tuổi say sưa theo dõi những thông tin và hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Sự yêu mến và cảm phục tinh thần anh hùng của người Việt sau đó đã thôi thúc ông lựa chọn đất nước này để du học, thay vì những quốc gia giàu có và hiện đại khác. Tháng 10/1980, Saadi đặt chân đến Việt Nam và hai tháng sau, ông lần đầu biết thế nào là Tết của người Việt.
"Năm 1981, người dân Việt Nam vẫn còn nghèo lắm. Thế nhưng đến sát Tết, tôi nhận thấy Hà Nội như được khoác một chiếc áo mới, rực rỡ, tươi vui, tràn trề sức sống hơn", Đại sứ Saadi kể. "Mọi người làm lụng vất vả quanh năm nên chỉ mong đến Tết để cả gia đình được cùng nhau nghỉ ngơi và hưởng thụ thành quả lao động".
Chàng thanh niên Palestine ngày đó ngạc nhiên khi được mọi người kể về sự tích ông Công ông Táo, sự tích bánh chưng, bánh dày, rồi nghe những tràng pháo nổ giòn vang trong những giây phút đầu tiên khi năm mới gõ cửa.
"Người người, nhà nhà đốt pháo để xua đi những điều xui rủi và đón nhận điều may mắn. Tiếng pháo ngày ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi lắm, bởi đó là những tiếng pháo đầu tiên trong lần ăn Tết Việt Nam đầu tiên của tôi", ông Saadi nói.
Giữa những nét đặc trưng khó lẫn ấy, người đàn ông Palestine vẫn cảm nhận được không khí gần gũi nhờ những nét tương đồng giữa phong tục đón năm mới của Việt Nam với dân tộc ông.
"Tết Việt Nam mang tính chất dân tộc chứ không mang tính chất tôn giáo như Palestine, nhưng người dân hai nước đều coi trọng phong tục đoàn tụ gia đình, làm cơm tất niên, chúc Tết và mừng tuổi đầu năm mới", ông nói. "Những phong tục này tựu chung đều xuất phát từ tấm lòng luôn hướng đến những điều tốt đẹp của con người".
Từ cái Tết đầu tiên đó, ông Saadi có cơ hội đón năm mới âm lịch ở Việt Nam thêm vài năm nữa trước khi tiếp nhận công tác ở đất nước khác. Sau hai lần chia tay, cuối cùng cái duyên với Việt Nam vẫn níu kéo khiến ông quay trở lại lần thứ ba và sắp đón cái Tết thứ 12 ở đây - Tết Giáp Ngọ.
Quên mất mình là người nước ngoài
Tết của con rể Việt người Palestine cũng là cành đào, là bánh chưng, là nem rán, dưa hành, là đi chúc Tết bạn bè, là lì xì cho trẻ con trong gia đình. Có chăng mâm cỗ Tết ở nhà ông phong phú hơn một chút nhờ các món đặc sản và hoa quả Palestine mà ông tự làm hay mang từ quê hương sang mời mọi người.
Một thú vui khiến ông Saadi rất thích vào dịp Tết đó là đi bộ dạo quanh trung tâm Hà Nội. "Những ngày Tết Hà Nội thật đẹp và thanh bình. Tôi thích đi bộ trong khu phố cổ, ngắm nhìn những hàng quán, những ngôi nhà vắng lặng và mường tượng về hình ảnh cách đây mấy chục năm, khi tôi còn là một lưu học sinh đang say mê khám phá Hà Nội", ông nói.
Đại sứ Palestine tóm tắt cái Tết Việt Nam trong 8 từ: gắn bó, đoàn kết, nhân ái và vị tha.
"Dù Tết chỉ diễn ra vài ngày nhưng trong khoảng thời gian ấy, ai ai cũng muốn được trở về bên gia đình, người thân để cùng tiễn năm cũ, đón năm mới. Từ vùng núi hẻo lánh đến miền đồng bằng sầm uất, mọi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều hướng về ngày Tết cổ truyền, cùng gìn giữ và vun đắp những truyền thống của tổ tiên. Đó là sự gắn bó và đoàn kết", ông giải thích. "Năm mới sang, mọi người đều bỏ qua những điều không vui, dẹp lại những thù hằn thường ngày để dành cho nhau lời hay ý đẹp, cầu chúc cho nhau phước lành, những người may mắn lại san sẻ với người kém may hơn mình. Đó là lòng nhân ái và vị tha".
Yêu Tết Việt là thế nên nếu dịp lễ cổ truyền này bị bỏ đi hay ghép vào Tết dương lịch như một số ý kiến đề xuất, đó sẽ là một nỗi trống trải quá lớn đối với Đại sứ Saadi.
"Trong thời đại toàn cầu hóa, tôi nghĩ rằng việc gìn giữ và giáo dục cho các thế hệ về truyền thống văn hóa của dân tộc là điều rất quan trọng. Bỏ Tết Nguyên đán chẳng khác gì quay lưng với văn hóa dân tộc và tự đánh mất nét đặc trưng rất đẹp của Việt Nam trên bản đồ thế giới", ông nói.
"Gần 11 năm gắn bó, đôi khi tôi quên mất rằng mình là một người nước ngoài. Tôi đã yêu Việt Nam, nói tiếng Việt, ăn những món ăn Việt, lấy vợ Việt và đón Tết Việt, tôi cảm thấy mình là một người Việt Nam thực thụ", đại sứ Saadi chia sẻ. "25 Tết này tôi đã đi vườn Nhật Tân mua đào về cắm trong nhà. Hai ngày đầu Tết tôi sẽ đi thăm bà con bên ngoại rồi sau đó mới đi thăm bạn bè ở ngoại thành. Tết của tôi đơn giản là dành cho gia đình và những người thân yêu".
Anh Ngọc