Một lớp học trong trường cấp 2-3 Triều Tiên Tokyo, với bức chân dung hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il treo trên tường. Ảnh: CNN |
Các học sinh đang yên lặng nghe giảng trong giờ Toán, Khoa học và tiếng Anh. Một số em thi thoảng liếc nhìn đồng hồ và chờ tiếng chuông báo hết giờ. Sau giờ học, có em ra sân chơi bóng, có em lại học nhạc ở những hành lang vắng người.
Theo CNN, trường cấp 2-3 Triều Tiên Tokyo, nơi đang có 650 học sinh theo học, là một trong 10 trường cấp ba ở Nhật Bản có mối quan hệ gắn bó lâu đời với Triều Tiên.
Hiệu trưởng nhà trường, ông Gil-ung Shin rất cởi mở chia sẻ về điều này. "Triều Tiên đã hỗ trợ tài chính cho chúng tôi nhiều năm qua, hỗ trợ cả tiền mặt và sách vở", ông nói.
Trường cũng tổ chức các chuyến thăm thường niên đến Bình Nhưỡng, trong đó các học sinh được tham quan thủ đô của quốc gia bí ẩn bậc nhất thế giới này.
Tuy nhiên, các học sinh trong trường đã cười ồ lên khi có người cho rằng các em đang được đào tạo thành gián điệp.
"Không phải thế. Chúng em chỉ muốn học văn hóa và ngôn ngữ Triều Tiên mà thôi", Kyong Rae Ha, 17 tuổi nói.
Sang Yong Lee, cũng 17 tuổi, cũng khẳng định "Em không được đào tạo để làm gián điệp. Đây chỉ là nơi để em thể hiện niềm tự hào là một người Triều Tiên đang sống ở Nhật Bản".
Thực tế, hầu hết các học sinh đều chào đời ở Nhật Bản, bố mẹ và ông bà của các em cũng thế. Triều Tiên từng là thuộc địa của Nhật Bản cho đến cuối Thế chiến II. Nhiều người Triều Tiên được đưa sang đây dù không muốn, trước khi đất nước bị chia cắt thành hai miền nam bắc như hiện nay.
Tuy nhiên, sự mất niềm tin đã ăn sâu khiến nhiều người Nhật vẫn cảm thấy cần thận trọng về những trường học như thế này. Họ bị ám ảnh bởi vụ bắt cóc các công dân Nhật Bản trên chính đất Nhật Bản hồi thập niên 70 và 80 mà Triều Tiên đã thừa nhận.
Bình Nhưỡng cho biết nước này xem như vụ việc đã được giải quyết nhưng Nhật Bản bấy lâu vẫn yêu cầu được giải thích rõ ràng.
Chiến lược của Triều Tiên cũng là điều khiến Nhật Bản phải cảnh giác. Có những lo ngại về một vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên sắp diễn ra, lần thứ ba kể từ năm 2006. Hồi tháng 12, Bình Nhưỡng cũng phóng thành công tên lửa mang vệ tinh Quang Minh Tinh-3 vào không gian.
Giữa giọng điệu đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên đối với các nước láng giềng và Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhanh chóng từ chối cân nhắc các yêu cầu tài trợ cho bất kỳ trường học nào ở Nhật Bản ủng hộ Bình Nhưỡng.
Đó là một cuộc chiến để giành hàng triệu USD. Các học sinh và phụ huynh cho rằng họ cần được chính phủ hỗ trợ học phí, và nhà trường nên được nhận trợ cấp từ các địa phương. Các học sinh cho rằng mình không có gì khác so với học sinh ở các trường quốc tế của Nhật Bản, vốn đủ khả năng chi trả cho những khoản kinh phí như trên.
"Chúng em cũng đóng thuế như mọi người", Kyong Rae Ha nói. "Điều đó làm em rất bực mình và cảm thấy buồn".
Ông Shin thừa nhận về các vụ bắt cóc mà chính phủ Triều Tiên tiến hành và cho biết các học sinh cần được biết về chúng. Khi được hỏi về những bức chân dung của các lãnh đạo Triều Tiên treo trong văn phòng, ông cho biết đây đơn giản là một cách để tỏ lòng biết ơn đến những người đã hỗ trợ kinh phí cho trường những năm qua.
Nhưng ông thêm rằng: "Chúng tôi không buộc các học sinh phải cam kết trung thành với bất kỳ ai. Tôi chỉ cảm thấy buồn khi học sinh của tôi bị vướng vào những rắc rối giữa hai nước".
Anh Ngọc