Thoạt nhìn Ko Ko Kyaw giống hệt một sinh viên đại học người bản địa ở Trung Quốc. Cậu mặc áo khoác ngắn tay bồng, quần jean bó mài rách và đi giày thể thao màu trắng, trang phục điển hình mang phong cách thể thao của đàn ông Trung Quốc, theo Channel News Asia. Nhưng điều đáng nói là cậu sinh viên người Myanmar này nói năng hệt như người Trung Quốc bản địa. Kyaw thoải mái pha trò lưu loát bằng thứ tiếng phổ thông chuẩn, giống y như người sinh ra ở Trung Quốc và nói thứ ngôn ngữ này cả đời.
5 năm trước, Kyaw mới bập bẹ học tiếng nhưng nay, cậu đã thông thạo nhiều cách nói khẩu ngữ mà chỉ người bản địa mới hiểu, thậm chí nói tiếng Anh bằng giọng Trung Quốc.
Cậu sinh viên 22 tuổi học kế toán ở đại học Giao thông Thượng Hải này là một trong số ngày càng nhiều sinh viên các nước Đông Nam Á chọn Trung Quốc làm nơi theo đuổi giáo dục cao học.
"Tôi có hứng thú với Trung Quốc sau khi dự một trại hè ở Côn Minh", Ko Ko Kyaw nói bằng giọng phổ thông chuẩn. Côn Minh là thành phố nằm ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, có biên giới giáp Myanmar.
"Trung Quốc và Myanmar có rất nhiều doanh nghiệp liên doanh, cung cấp nhiều cơ hội việc làm. Học ở Trung Quốc sẽ giúp tôi có lợi thế xin việc khi về nước", Kyaw tâm sự.
Đối với Pingpanya Phommilath, cậu sinh viên Lào 21 tuổi, Trung Quốc là lựa chọn đầu tiên khi cân nhắc nơi lấy bằng đại học. Cậu đang học bằng cử nhân về Quản lý công ở đại học Phúc Đán, Thượng Hải.
"Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, nền kinh tế cũng ngày càng lớn hơn", Phommilath nhận định. "Ở nước tôi có rất nhiều người Trung Quốc tới làm ăn. Vì thế, học tập ở Trung Quốc hứa hẹn tương lai nhiều triển vọng với tôi".
Đối với nhiều sinh viên Đông Nam Á, sở hữu bằng đại học Trung Quốc đồng nghĩa với việc có cơ hội việc làm tốt hơn tại quê nhà, vì Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn,.
Đó là một phần lý do khiến 80.000 sinh viên Đông Nam Á chọn đăng ký theo học đại học Trung Quốc năm 2016, tăng 15% so với năm 2014, theo Hệ thống Quản lý Đại học và Cao đẳng Trung Quốc (CUCAS), một cổng thông tin và ứng dụng trực tuyến liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Sinh viên đến từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trở thành nhóm sinh viên ngoại quốc lớn nhất học tập ở Trung Quốc, vượt qua cả Hàn Quốc, đất nước láng giềng phía đông bắc. Sinh viên Mỹ chiếm vị trí thứ ba, giảm xuống so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều học sinh chọn Trung Quốc là sự mạnh tay chi tiền học bổng của chính phủ nước này, một phần sáng kiến "Vành đai, Con đường" đầy tham vọng, chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc nhằm tăng cường liên kết thương mại, xã hội và chính trị với Đông Nam Á.
"Nhằm thúc đẩy sáng kiến này, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích nhiều sinh viên tới Trung Quốc học tập bằng cách đầu tư rất nhiều nguồn lực", Zhou Dong, chủ tịch CUCAS cho hay. "Năm 2016, chính phủ đã tài trợ 50.400 suất học bổng bao gồm học phí, ăn ở và sinh hoạt phí hàng tháng".
Lucian Koh - giám đốc điều hành Success Stories, một công ty tư vấn giáo dục Singapore cho hay Trung Quốc đã chi 3,6 tỷ USD tiền học bổng năm 2016. Khách hàng của công ty này bao gồm Quỹ đầu tư giàu có của tiểu vương quốc Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
"Trung Quốc có thể đưa những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp ở đây về nước để phát triển hạ tầng cơ sở, tài chính và vận tải cho Trung Quốc", ông Koh nói. "Để được cộng đồng quốc tế công nhận là một cường quốc đang lên, Trung Quốc sẽ bắt đầu từ con người".
"Trong tiếng Trung, họ gọi đó là những sinh viên 'Trí Hoa Ưu Hoa', nghĩa là những người hiểu biết về Trung Quốc, có cảm tình tốt với Trung Quốc. Những sinh viên tốt nghiệp ở đây sẽ là đại sứ tốt nhất cho Trung Hoa".
Koh ước tính cứ 80 - 90% sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc được nhận một loại học bổng nào đó từ chính phủ.
"Chúng ta là láng giềng. Trung Quốc gần gũi với ASEAn về địa lý, về phong tục tập quán, văn hóa", chủ tịch CUCAS nói.
Chất lượng tốt, giá thành hợp lý
Đối với doanh nhân người Malaysia Lee Kwok Yat, Trung Quốc là nơi tốt nhất cung cấp cả hai tiêu chí: học phí phải chăng và chất lượng đào tạo tốt. Con gái của doanh nhân 53 tuổi này đang học ngành y ở đại học Vũ Hán.
"Khi nói đến Trung Quốc, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là Đông y. Khi biết họ có chương trình giảng dạy Đông y bằng tiếng Anh, tôi đã rất vui", ông nói. "Tại Malaysia, thi vào trường đại học công lập rất khó. Học trường y tư thục sẽ tốn khoảng 128.000 USD, quá nhiều, tôi không thể chi trả".
Ông Lee cho biết tổng chi phí cho việc học của con gái ở Trung Quốc chỉ khoảng 60.000 USD, chưa bằng một nửa nếu học ở Malaysia.
"Ở Trung Quốc có 45 trường đại học đào tạo sinh viên quốc tế, với hơn 3.000 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ mỗi năm. Cơ hội được nhập học rất lớn", ông đánh giá, so sánh với vài trăm chỉ tiêu ngành y mỗi năm ở các trường đại học công lập Malaysia.
Ít nhất 20% chương trình đào tạo ở 150 trường hàng đầu Trung Quốc được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, bao gồm các chương trình phổ biến như kinh doanh, y dược, kỹ thuật, nhằm mục tiêu vào sinh viên nước ngoài.
Chính sách này đã phát huy hiệu quả. Trung Quốc hiện là điểm du học phổ biến thứ ba thế giới, sau Mỹ và Anh. Đối với các trường đại học Trung Quốc, có đông sinh viên nước ngoài theo học sẽ cải thiện uy tín và thứ bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu. Việc mở rộng ngày càng nhiều chương trình giảng dạy ở Trung Quốc khiến các trường đại học ở đây lọt vào bảng xếp hạng 50 trường đại học tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn. Mỹ và Anh vẫn giữ vững các vị trí đầu bảng trong bảng xếp hạng toàn cầu về những chương trình đào tạo tốt nhất như kinh doanh, kỹ thuật, y dược; và năng lực cũng như kết quả nghiên cứu.
"Những đơn vị đào tạo ở phương Tây được tự do trong lĩnh vực họ muốn nghiên cứu và phân bổ nguồn vốn", Lucian Koh nhận xét. "Còn các trường đại học Trung Quốc bị hạn chế bởi nhiều quy định của chính phủ".
Những hạn chế này nằm trong các lĩnh vực được phép lựa chọn để nghiên cứu. Chính trị, chủ đề hay gây tranh cãi, thường bị giới hạn. Jolene Liew, 23 tuổi, đề nghị làm luận án thạc sĩ về so sánh giữa người Hồi giáo ở Tân Cương, Trung Quốc với người Hồi giáo ở Bruinei, quê hương cô. Tuy nhiên, các giáo sư ở đại học Phúc Đán nói rằng chủ đề này quá nhạy cảm.
Jolene tới Thượng Hải vào tháng 9 năm ngoái, sau khi nhận được học bổng toàn phần cho hai năm học thạc sĩ ngành chính trị quốc tế ở đại học Phúc Đán. Cô tốt nghiệp cử nhân ngành chính trị và quan hệ quốc tế ở đại học Bath, Anh.
Dù thất vọng vì bị hạn chế, Jolene vẫn đánh giá cao chương trình giảng dạy, nhất là những buổi thảo luận với sinh viên Hàn Quốc và Nhật Bản. Cô cũng hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc.
"Hiểu biết thêm về quan điểm của phương Đông để cân bằng với phương Tây là điều tốt", Jolene nói. "Tôi coi đây là cơ hội để hiểu biết thêm những khía cạnh cuộc sống mới, cũng như chứng minh với mọi người rằng không nhất thiết phải hướng về phương Tây mới được trải nghiệm điều mới lạ, hưởng thụ chất lượng đào tạo tốt".
Nhìn chung, Jolene nhận được chương trình đào tạo tốt nhất mà Trung Quốc có thể cung cấp. Phúc Đán là một trong 5 trường hàng đầu Trung Quốc, đứng thứ 7 trong danh sách 10 đại học châu Á năm 2018.
Ngoài ra, được học cùng những sinh viên Trung Quốc chăm chỉ và hừng hực khí thế cạnh tranh là một trải nghiệm đáng giá.
"Không sinh viên nào trên thế giới có thể so sánh với sinh viên Trung Quốc. Họ cực kỳ chăm chỉ", Ko Ko Kyaw nhận xét. "Không khí học tập rất áp lực. Từ trẻ tới già, người nào cũng không ngừng nghiên cứu và học tập".
Oh Jeng En, 22 tuổi, người Malaysia, theo học ngành Phát thanh Truyền hình ở đại học Phúc Đán cho hay đã tiến bộ rất lớn khi học tập trong môi trường này.
"Đa số sinh viên Trung Quốc đều học hành rất nghiêm túc. Hết giờ học, họ đến hỏi bài thầy cô giáo và đối phó với áp lực thi cử rất tốt", En đánh giá.
Kevin P Tenggario, sinh viên người Indonesia đang theo học ngành Kinh tế ở đại học Phúc Đán cho rằng áp lực cạnh tranh với các bạn Trung Quốc khiến cậu chăm chỉ hơn.
"Dù đôi lúc giáo viên bảo chúng tôi rằng không thể so sánh với sinh viên Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn muốn học chăm hơn và dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn", Tenggario nói.
Hồng Hạnh