Thế hệ này sinh ra trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, hầu như không có anh chị em ruột, đến tuổi trưởng thành khi ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, lên nắm quyền, theo Reuters.
Được gọi là "thế hệ bong bóng", họ lớn lên trong thịnh vượng và hòa bình, chưa từng "ăn kham uống khổ" như những gì bố mẹ, ông bà đã trải qua. Khi ông Tập lên nắm quyền 5 năm trước, họ vừa tốt nghiệp đại học và gia nhập lực lượng lao động của đất nước. Những thanh niên này được gọi là "khóa 2012".
Phóng viên Reuters đã phỏng vấn 10 nam nữ thanh niên, một phần nhỏ trong số 190 triệu người sinh ra vào thập niên 90, để phần nào hiểu về xã hội Trung Quốc dưới thời ông Tập và về thế hệ sẽ kế thừa di sản của ông.
Những thanh niên này sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Vũ Hán và Bồ Đoàn, tỉnh Hồ Bắc. Họ có thể là con cái của giám đốc doanh nghiệp, chủ nhà hàng, bác sĩ, công nhân xây dựng, quan chức địa phương hoặc giáo viên.
Họ tốt nghiệp ở ba trường đại học khác nhau, một trường kinh tế thương mại hàng đầu Trung Quốc ở Bắc Kinh, một trường cấp tỉnh ở Vũ Hán, miền trung đất nước và một trường công nghệ ở Thành Đô, tây nam Trung Quốc.
Họ đều có điểm chung là lạc quan, cởi mở và có khuynh hướng tự do, dù vẫn coi trọng truyền thống và nghĩa vụ gia đình. Đối với những người chưa kết hôn, một số cảm thấy áp lực phải tìm bạn đời, còn những người khác lại chủ động khước từ đi theo con đường truyền thống.
"Thế hệ chúng tôi có ưu điểm là có nhiều hướng đi trong cuộc đời", Wu Qiong, 27 tuổi, con gái một nhân viên bán bảo hiểm và một hiệu trưởng trường mẫu giáo ở Vũ Hán, chia sẻ. "Thật đấy, chúng tôi biết mình muốn sống như thế nào, chứ không phải là sống giống người khác".
Họ thích đi du lịch và trải nghiệm, lớn lên trong sự thoải mái, có mọi thứ mình cần như cái ăn cái mặc, thậm chí còn hơn, như các trò chơi điện tử đắt tiền hay thường xuyên đi nghỉ mát.
"Tôi nghĩ rằng thế giới đang ngày càng tốt hơn", Qin Lijuan, 28 tuổi, nhân viên tư vấn tài chính cá nhân ở Thành Đô, nói. "Dù đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chừng nào bạn lập kế hoạch an toàn, cuộc đời bạn vẫn không cần lo lắng".
Tuy nhiên, những thành viên "khóa 2012" này tỏ ra thờ ơ với chính trị, có thể do thận trọng trước một chủ đề nhạy cảm, hoặc đơn giản là vô tâm.
"Tôi không quan tâm chính trị bởi công việc của tôi chẳng liên quan gì tới chính trị", Zheng Yue, 27 tuổi, kiến trúc sư nội thất ở Thành Đô bày tỏ. "Mà tôi cũng không biết cách giải quyết các vấn đề chính trị. Cho dù tôi có lo lắng thì cũng chẳng được gì. Tôi không thể thay đổi bất kỳ điều gì".
"Thế hệ trẻ Trung Quốc giống với thanh niên Mỹ những năm 1950 và 1960, đều có khoảng cách thế hệ gần như không thể thu hẹp và đều lạc quan", Michael Pettis, giáo sư tài chính Học viện Quản lý Guanghua, đại học Bắc Kinh, nhận xét.
Tuy nhiên, ông cảnh báo họ có thể không thích chuẩn bị cho những cú sốc trong tương lai, bất chấp lời khuyên và truyền dạy kinh nghiệm từ cha mẹ.
Sinh ra và lớn lên tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Wu là một trong số nhiều đại diện cho "khóa 2012".
Tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh, Wu quyết định học thêm bằng thạc sĩ kế toán, vì cho rằng bằng cử nhân chưa đủ để cô theo đuổi tham vọng. Wu hiện làm việc cho phòng thanh toán quốc tế của một ngân hàng nước ngoài.
Wu không mua được nhà, nhưng gần đây cô đã thuyết phục được mẹ đầu tư tiền tiết kiệm vào một căn hộ trong dự án phát triển nhà có tên "Thành phố Cambridge". Tòa nhà nằm dưới một tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong một năm.
"Nhà ở luôn mang lại giá trị nhiều hơn so với lợi tức tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng", Wu nói. "Chắc chắn giá nhà sẽ không đi xuống".
Cô cho biết mình không lo lắng chuyện nghề nghiệp có đảm bảo không. "Trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ lo lắng về tương lai. Tôi không sợ thay đổi".
"Nếu một ngày nào đó, khủng hoảng kinh tế xảy ra, tài chính khu vực rơi vào suy thoái, tôi sẽ trở lại nghề dạy tiếng Anh", Wu bày tỏ.
Hồng Hạnh