Một phụ nữ bán hoa buổi sáng ở Hà Nội. Ảnh: PAMELA ROTH |
Pamela Roth viết trên tờ Edmonton Sun rằng băng qua đường ở Hà Nội mang đến cảm giác giống như bị mắc kẹt trong trò chơi điện tử Forgger. Mới đây cô đã kể về chuyến đi đến Việt Nam hồi Tết.
"Cứ đi đi", một người bạn Canada đã ở Việt Nam được một năm, nói với tôi. "Người ta sẽ lượn quanh mình".
Lượn quanh? Anh ta chắc điên rồi, tôi nghĩ khi đang đứng ở một vỉa hè trong khu phố cổ Hà Nội, kiên nhẫn chờ đợi một khoảnh khắc "ngơi nghỉ" của dòng xe máy đang nườm nượp phóng qua trước mặt. Thế mà, cái khoảnh khắc ấy không bao giờ đến. Khoảnh khắc ấy rất khó xảy ra, và đó là lý do tại sao tôi phải lao xuống đường mà đi thôi.
Những con phố nhỏ được xây dựng hơn nghìn năm trước là một nơi diễn ra mọi hoạt động, bất chấp thời tiết lạnh lẽo, u ám bao trùm lấy thành phố suốt cả tháng giêng. Người dân Hà Nội ra đường phải mặc áo khoác, trùm khăn kín mít, dù thời tiết lúc đó khoảng 15 độ C.
Tôi đã trố mắt kinh ngạc nhìn từng dòng xe đạp, xe máy, motor, trong đó có một số xe chở 3 hoặc 4 người đeo khẩu trang của bác sĩ mổ, chầm chậm len lỏi qua những đường phố đông đúc, chật hẹp, với những hàng quán bắt mắt ven đường. Một số xe có gắn những chiếc hộp to ở phía sau , chúng "bò" đi trên đường phố với tốc độ của ốc sên. Một người còn có cả gác gỗ phía đuôi xe để chở bất cứ thứ gì anh ta muốn, dù kích cỡ lớn bé thế nào.
Còi xe đua nhau kêu inh tai, không khí nặng nề vì độ ẩm cao. Xe cộ cứ bình bịch suốt dọc những con đường hẹp và trở nên chậm chạp hơn khi một chiếc xe ô tô cỡ bình thường hòa vào đám đông, giống như những chiếc xe tăng lừ lừ băng đi trong một buổi duyệt binh. Nhưng thật kỳ diệu, tôi không nhìn thấy bất kỳ vụ tai nạn nào cả. Tuy nhiên, tôi có thể hiểu tại sao khách du lịch được khuyên là không nên lái xe ở đây. Đó có thể là cái bẫy tử thần.
Những vỉa hè đi bộ cũng không thể thoát khỏi đám đông chen lấn. Ở đây không có cái gọi là không gian riêng nhưng mỗi góc phố đều có một điều thú vị riêng. Trên một góc phố bên ngoài khách sạn tôi ở, một phụ nữ đang thái thịt sống bằng một con dao lớn. Bên kia đường, một cô khác đội chiếc nón lá bán những bông hoa vàng đỏ trong một cái thúng lớn, cảnh tượng có thể được nhìn thấy ở khắp thành phố này. Những người phụ nữ mang quang gánh đựng táo và chuối tươi cũng rất nhiều. Trên một con đường, một vài người đàn ông sửa giày gập mình trên chiếc máy cũ trước cửa tiệm. Bên cạnh họ là những gánh hàng rong bán dây kéo và những thứ linh tinh. Những cửa hàng trang sức nằm ở một con đường khác.
Ở ngã rẽ tiếp theo, các món ăn được bày bán khiến bạn tôi giật mình tự hỏi liệu ăn hàng vỉa hè có phải là một ý tưởng tốt hay không. Những con vịt quay còn để nguyên đầu và thịt gà sống, cũng để nguyên đầu, được bày la liệt trên phố. Những chiếc bể lớn được đổ đầy nước để giữa cá và các hải sản khác tươi lâu. Vỉa hè đầy rẫy xe máy đỗ và người ngồi trên những chiếc bàn kích cỡ trẻ em đang thưởng thức phở, món ăn sáng rất được ưa thích của người Việt Nam.
Cũng có những cửa hàng tơ lụa, vô số cửa hiệu bán đồ thủ công làm từ tre nứa và các phòng tranh. Khi tôi đã tưởng rằng mình đã được thấy hết tất cả mọi thứ rồi thì qua ngã rẽ tiếp theo, tôi lại bắt gặp khá nhiều gánh hàng rong bán đồ lót, có cả những miếng đệm mông ở trong một con ngõ hẹp tấp nập.
Cuối cùng, khi tôi cảm thấy đã quá mệt mỏi vì phải đợi để qua đường, tôi lấy hết can đảm và lao ra. Len lỏi giữa hàng chục chiếc xe máy đang di chuyển khiến trái tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng cuối cùng tôi cũng qua đường thành công mà không hề xây xước. Tôi thấy mình như vừa về nhất trong một cuộc đua marathon.
Bí quyết chiến thắng là hãy mạnh dạn băng qua đường, để cho xe cộ bao quanh bạn. Đừng dừng lại, nếu không bạn sẽ bị biến thành món thịt ếch.
Du lịch ở Việt Nam cũng dễ như qua đường vậy. Các chuyến bay nội địa có giá dưới 100 USD. Với những du khách ngân sách eo hẹp thì xe khách và các chuyến tàu chạy thường xuyên đến các trung tâm lớn của Việt Nam là lựa chọn thích hợp.
Chuyến du lịch của tôi ở Việt Nam chỉ kéo dài 3 tuần, vì thế tôi cố gắng đi đến nhiều địa danh nhất có thể. Dùng sách hướng dẫn du lịch và tìm kiếm thông tin trên mạng, tôi và một người bạn thân lên kế hoạch đi tour xuyên Việt, bắt đầu từ Hà Nội, sau đó đi dọc bờ biển phía đông, dừng chân ở vịnh Hạ Long, Tam Cốc, rồi xuôi xuống Hội An, Nha Trang, Mũi Né và thành phố Hồ Chí Minh. Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là hòn đảo nhiệt đới Phú Quốc ở cực nam của Việt Nam, nơi chúng tôi có thể nhảy ùm xuống những bãi biển để xua tan cái nắng nóng trước khi quay trở lại với mùa đông lạnh giá của Canada.
Chúng tôi đặt phòng khách sạn và vé máy bay trực tuyến từ Tết. Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, đánh dấu một mùa xuân mới theo Âm lịch. Nghỉ Tết ở Việt Nam quả là một trải nghiệm độc đáo, nhưng cũng là một thử thách nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng. Các nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa trong suốt tuần lễ nghỉ Tết, đường phố vắng tanh. Việc đi du lịch cũng có thể gặp khó khăn khi mọi người trong nước đều về quê ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, những trải nghiệm văn hóa đáng giá đủ để bạn bỏ qua những bất tiện này.
Suốt Tết, những khẩu hiệu đỏ "Chúc mừng năm mới", đèn màu và lồng đèn được giăng trên khắp các đường phố. Hoa đào, loài hoa tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn, được trang trí rực rỡ và đặt ở mọi nơi giống như cây thông Noel. Trong dịp năm mới, người Việt Nam còn có nhiều phong tục khác để cầu may như đốt lịch cũ, tiền giả trên đường phố. Cảnh tượng này tôi đã vài lần được nhìn thấy ở Hà Nội. Quét nhà là điều cấm kỵ trong dịp Tết vì mọi người sợ rằng sẽ quét mất vận may.
Các thành phố và thị trấn ngoại ô dập dìu những cánh đồng lúa xanh là hình ảnh quen thuộc trên mọi nẻo đường, nhưng cảnh quan Việt Nam cũng luôn luôn biến hóa. Một trong những cách tốt nhất để ngắm cảnh đó là đi tàu. Tôi đã đi tàu 11 tiếng từ thành phố biển miền Trung Đà Nẵng đến thành phố nghỉ dưỡng Nha Trang ở bờ biển phía đông nam.
Tôi nghĩ chuyến tàu tôi đi sẽ là loại có ghế ngồi thuộc hạng cao cấp vì tôi phải trả 30 USD để mua vé, nhưng tôi đã nhầm. Tôi cứ nghĩ là mình sẽ thấy những chiếc ghế ngồi thông thường khi bước lên tàu, nhưng không, thay vào đó là những chiếc phòng bé được dùng làm chỗ ngủ với toàn người là người.
Khi chúng tôi tìm thấy chỗ của mình ở một trong những căn phòng đông đúc có hai chiếc giường nhỏ phía trên, hai chiếc giường phía dưới, và một chiếc bàn gần cửa sổ - tức là một khoang cho bốn người, thì đã có 11 người Việt Nam chen chúc sẵn trong cái không gian nhỏ hẹp đó. Họ nhìn chúng tôi tò mò, băn khoăn liệu chúng tôi sẽ xoay xở với những chiếc ba lô khổng lồ của mình như thế nào. Chúng tôi là những khách du lịch duy nhất trên khoang này.
"Sao có thể thể này?", tôi nói với nét mặt bối rối. "Không thể thế được. Làm sao chúng tôi có thể ngồi trong cái khoang này 11 tiếng tới?".
Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng xoay xở đủ để có được một chỗ ngồi thoải mái. 11 tiếng tiếp theo trôi đi trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và những người địa phương thân thiện. Họ cười khi thấy chúng tôi chỉ mang theo bánh quy giòn Ritz để ăn và còn mời chúng tôi uống trà.
Con tàu lăn bánh trên đường ray, đưa chúng tôi đi qua nhiều làng quê với những ngôi nhà lợp tôn nằm rải rác. Những con cò trắng điểm xuyết trên những cánh đồng lúa xanh, bao quanh là những đồi cọ và rừng cây, những con trâu nước đang mải mê gặm cỏ ven đường. Đây là hình ảnh đất nước Việt Nam mà tôi đã chụp lại trước khi lên máy bay và trở về vùng đất cách hàng nghìn km bên kia Thái Bình Dương. Thật thuần khiết, hoang sơ và tuyệt đẹp.
Dù gặp chút khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ với những người ngồi cùng khoang tàu, chúng tôi vẫn có thể trò chuyện với họ bằng cử chỉ và nụ cười. Họ cũng thường làm thế. Họ dõi theo mọi cử động của chúng tôi, nhất là khi chúng tôi chơi trò chơi điện tử. Một người đàn ông, cuối cùng, đã quyết định hỏi chúng tôi cách chơi trò chơi này.
Ai mà biết trước được là hành trình 11 tiếng đồng hồ lại vui đến như thế? Tôi vẫn tự hỏi trong đầu họ đang nghĩ gì.
Anh Ngọc (theo EdmontonSun)